• Sức khỏe và Đời sống

Dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện

26/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 26/11/2018 | 06:00

STO - Trẻ được ăn uống hợp lý sẽ thông minh, khỏe mạnh và phòng, chống được bệnh tật. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn quá mức sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì. Ngược lại, nếu ăn không đầy đủ sẽ bị còi cọc, chậm phát triển và dễ mắc bệnh. Cho nên, muốn trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ nhằm hướng tới một thế hệ tương lai khỏe mạnh, tầm vóc thì dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

Tình trạng trẻ em Việt Nam bị thiếu vi chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày để tăng trưởng và phát triển toàn diện đang là thực trạng rất đáng báo động. Theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS), cứ 3 trẻ Việt Nam thì có 2 em không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị của Bộ Y tế, các bữa ăn của bé đang bị thiếu các dưỡng chất, như: vitamin A, vitamin B1, vitamin C, vitamin D và sắt - đây là những chất giúp bé phát triển trí não - chiều cao toàn diện nhất.

Dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: KGT

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, đến tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh có 124.432 trẻ em dưới 5 tuổi; có 118.692 trẻ được cân, đo, trong đó có 13.372 trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 11,72%. Có 20.833 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm tỷ lệ 19,47%.

Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân, thấp còi là do chế độ ăn uống bị thiếu dưỡng chất. Vì vậy, để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mỗi ngày, các bà mẹ, những người nuôi dưỡng cần cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, đổi mới khẩu phần ăn thường xuyên. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn đầy đủ và cân đối tất cả các dưỡng chất thiết yếu sau đây: Chất đạm giúp trẻ sản sinh năng lượng, tăng trưởng và phát triển trí não. Thiếu chất đạm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, kém thông minh, kém nhanh nhạy, kém phát triển chiều cao. Ngược lại, chế độ ăn quá nhiều đạm sẽ tạo gánh nặng cho thận, cơ thể khó hấp thu, dễ gây táo bón. Chất đạm thường có trong thịt, cá, tôm, cua; trứng gà (vịt). Ngoài ra, lượng đạm trong thực vật cũng rất cao như đậu đỗ, đậu nành, đậu phộng…

Chất béo không được khuyến khích sử dụng quá nhiều trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là thành phần quan trọng đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ. Chất béo là dung môi hòa tan của nhiều loại vitamin nhóm A, D, E, K; giúp các vitamin này chuyển hóa dễ dàng trong cơ thể. Ngoài ra, chúng còn làm thức ăn mềm và mùi vị hấp dẫn, tạo cảm giác ngon miệng.

Nguồn dinh dưỡng không thể thiếu tiếp theo đó là vitamin. Vitamin là một nhóm vi chất thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể. Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng, lớn lên, đảm bảo cho sự khỏe mạnh của đôi mắt, bảo vệ niêm mạc, các mô, tăng sức đề kháng. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, đu đủ, xoài… Một số dầu ăn có bổ sung vitamin A. Vitamin C có nhiều trong trái cây tươi và rau, nhất là cam, quýt, dâu, cà chua, rau lá xanh… giúp tăng cường hấp thu sắt, chống bệnh thiếu máu, giữ cho thành mạch vững chắc, chống bệnh chảy máu chân răng. Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời; trong cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt heo… giúp cơ thể hấp thu canxi, phốt pho để duy trì và phát triển hệ xương, răng vững chắc, chống bệnh còi xương ở trẻ em. 

Kẽm giúp chuyển hóa năng lượng và hình thành tổ chức, tham gia vào các men chuyển hóa trong cơ thể. Khi bị thiếu kẽm, trẻ thường kém ăn, rối loạn vị giác, chậm liền vết thương, rối loạn giấc ngủ, chậm phát triển về chiều cao. Kẽm có nhiều trong các loại thức ăn động vật như thịt, cá; trai, hến, sò huyết. Các loại ngũ cốc, rau quả cũng chứa nhiều kẽm nhưng giá trị sinh học thấp hơn.

Sắt rất cần cho sự tạo máu; phòng, chống thiếu máu. Sắt có nhiều trong tim, gan, thận của động vật; sắt có trong đậu và các loại rau có màu xanh sẫm. Canxi, phốt pho giúp cho việc tạo xương, răng; đảm bảo chức năng thần kinh và sự đông máu bình thường. Chất này có nhiều trong sữa; các loại tôm, cua, cá, trai, ốc... Ngoài các chất dinh dưỡng đã nêu ở trên, cơ thể trẻ còn cần các chất xơ giúp đưa nhanh chất thải ra khỏi đường tiêu hóa; phòng, chống táo bón. Chất xơ có nhiều trong rau, củ, trái cây. 

Khi cho trẻ ăn, các bà mẹ, những người nuôi dưỡng cần lưu ý: chỉ cho trẻ ăn vừa đủ, không ăn quá no, không ăn quá nhu cầu và không cho ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng như nước ngọt, bánh kẹo, các đồ ăn sẵn… Để trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, các bà mẹ, những người nuôi dưỡng cần xây dựng một thực đơn dinh dưỡng thú vị và phù hợp với trẻ. 

Giáng Kiều

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: