• Sức khỏe và Đời sống

PrEP - Giải pháp hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV

20/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 20/11/2020 | 06:00

STO - PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis) - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV. Vì vậy năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người nghiện chích ma túy, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml máu.

Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng ARV. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hàng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

Cán bộ y tế chuẩn bị thuốc cung cấp cho khách hàng điều trị PrEP tái khám. Ảnh: KGT

Sau 2 năm thực hiện triển khai dịch vụ PrEP tại 27 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30-9-2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.256 khách hàng; số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở.

Qua kết quả giám sát phát hiện trong 9 tháng năm 2020 tại tỉnh Sóc Trăng có 159 trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 52% các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện là nhóm đối tượng MSM, chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 16 - 29 và nhóm đối tượng MSM đang là nhóm đối tượng đích cần ưu tiên thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như chương trình cung cấp bao cao su, chất bôi trơn, dịch vụ PrEP.

Tại Sóc Trăng, PrEP đã triển khai từ tháng 3-2020, đến nay đã có 139 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP, 75% là nhóm khách hàng MSM, chưa có khách hàng nào có kết quả HIV dương tính trong quá trình sử dụng PrEP. Các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP tại Sóc Trăng có 2 cơ sở y tế nhà nước: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế TP. Sóc Trăng và 1 cơ sở y tế tư nhân: phòng khám Bs Huỳnh Ngọc Hân.

Nhằm tăng số khách hàng nguy cơ cao tiếp cận được dịch vụ PrEP, sắp tới, Sóc Trăng thực hiện một số nội dung như mở rộng độ bao phủ và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp; mở rộng đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tới các khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV, trong đó tập trung chủ yếu cho nhóm khách hàng MSM, nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (ưu tiên nhóm chưa hoặc mới điều trị ARV), nhóm chuyển giới nữ, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm tiêm chích ma túy và các nhóm có nhu cầu sử dụng dịch vụ PrEP; mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, bảo đảm tính liên tục và dễ tiếp cận của dịch vụ điều trị PrEP, lồng ghép dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV vào các cơ sở điều trị HIV/AIDS; tăng cường phối hợp chặt chẽ và kết nối chuyển gửi khách hàng hiệu quả từ các cơ sở có lượng khách hàng nguy cơ cao đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP như: kết nối chuyển khách hàng từ cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV (khách hàng HIV âm tính), bệnh nhân điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị ARV (cặp dị nhiễm) đến với cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Truyền thông và kết nối dịch vụ: đa dạng hóa truyền thông tạo ra các chiến dịch thân thiện với người dùng, đồng thời chú ý đến những người có ảnh hưởng đến khách hàng đích. Chương trình truyền thông tạo cầu cũng là một trong những chương trình quan trọng nhằm thu hút và tăng số lượng khách hàng tham gia sử dụng PrEP. Truyền thông dịch vụ PrEP trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng của nhóm đối tượng đích: blued, tinder, zalo, facebook… Nâng cao năng lực cho nhóm đồng đẳng viên nhất là nhóm MSM, giao chỉ tiêu giới thiệu hàng mới có nguy cơ cao nhận dịch vụ PrEP (1 khách hàng/tháng/đồng đẳng viên); người đã và đang tham gia chương trình PrEP, truyền thông truyền miệng từ những người sử dụng PrEP, truyền thông giữa các đồng đẳng viên, bạn bè về dịch vụ PrEP.

Bên cạnh đó, để mở rộng và triển khai chương trình PrEP tốt hơn nữa trong thời gian tới cần có sự quan tâm, hỗ trợ của ngành y tế, chính quyền địa phương, các dự án hợp tác quốc tế và các câu lạc bộ, tổ chức chính trị - xã hội nhằm góp phần hoàn thành chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

THÚY ÁI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: