• Sức khỏe và Đời sống

Thuốc lá - thủ phạm khiến hàng nghìn người tử vong mỗi năm

31/05/2018 10:27 GMT +7
  • Nguồn: Báo Điện tử VOV
  • Thứ Năm, 31/05/2018 | 10:27

Các chuyên gia hô hấp khuyến cáo, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, hãy từ bỏ thuốc lá không bao giờ là quá muộn.

Người chết vì thuốc lá gấp 3 lần HIV và TNGT

Theo các chuyên gia y tế phân tích, hút 1 điếu thuốc lá làm giảm 5,5 phút tuổi thọ. Mỗi giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông. Vì vậy, hãy từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.

BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh, chuyên khoa Hô Hấp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi hiện là loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới, với số ca được chẩn đoán trong năm 2012 là 1.825.000 ca, chiếm 13% trong tổng số các ung thư. Trong số đó, ở nam giới, số ung thư phổi phổi chiếm 16,7%, tức vị trí số 1; còn ở nữ giới là 8,8%, đứng ở vị trí thứ 3.

Ths. BS Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều loại bệnh có liên quan đến thuốc lá. Bởi, khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi. Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá huỷ.

Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

BS Quyên cho biết, khoảng 87% trong số 177.000 ca ung thư phổi mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là ở người hút thuốc lá.

Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư.

Hãy từ bỏ thuốc lá khi có thể

Mỗi năm có 17.000 người tử vong do thuốc lá

Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 17.000 người tử vong do thuốc lá. Trong khi trên thế giới, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới.

Theo thống kê, đến năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp 4 lần, lên con số 20.000 người mắc mới mỗi năm, trong đó có tới 17.000 người tử vong.

Các nhà chuyên môn khuyến cáo, nếu ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng được phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi rất cao.

BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh cho biết: Đối với ung thư phổi, giai đoạn sớm các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh ung thư phát triển, thường có các triệu chứng sau: Ho khan là triệu chứng hay gặp nhất; ho khạc đờm hoặc lẫn máu; khó thở; hội chứng viêm phế quản phổi cấp hoặc bán cấp. Các triệu chứng do chèn ép, xâm lấn: khi xuất hiện các triệu chứng này thì UTP thường đã ở giai đoạn muộn như đau ngực; nói khan; nuốt nghẹn; nấc...

Ung thư phổi chia thành 2 loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ung thư phát triển nhanh, nó có thể lây lan nhanh đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường xuất hiện ở người sử dụng thuốc lá và hiếm thấy ở người không hút thuốc. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phát triển chậm hơn và phổ biến hơn, đây là loại ung thư ít xâm lấn hơn loại trên.

“Trên thực tế, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm cơ hội kéo dài cuộc sống sau 5 năm và chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, ung thư phổi có tỉ lệ tử vong cao vì thường phát hiện muộn. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.

BS Thanh khuyên người dân nên khám tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần. Đặc biệt, đối với người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần tầm kiểm soát có thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, chúng ta nên làm xét nghiệm dấu ấn khối u CYFRA 21-1 - xét nghiệm máu, một trong các dấu ấn góp phần phát hiện ung thư phổi tế bào không nhỏ./.

PV/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: