• Thi đua - Khen thưởng

Tác phẩm báo in

Giải khuyến khích: Thượng tọa Lý Minh Đức - Cho là nhận!

21/06/2019 08:29 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 21/06/2019 | 08:29

STO - Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh, từ nhỏ chàng trai Lý Minh Đức luôn ngoan ngoãn, ham học và biết yêu thương mọi người có cùng hoàn cảnh nghèo khó. Lớn lên một chút, khi vào tu học ở chùa, được tiếp cận với nhiều loại sách vở, học hỏi thêm nhiều kiến thức, thì vị tu sĩ ấy lại yêu thích và cảm phục tấm gương sáng ngời của Bác Hồ và nguyện học tập làm theo. Và hiện tại, ngoài trách nhiệm là một tu sĩ, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, mọi người còn biết đến thượng tọa Lý Minh Đức với vai trò là đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Cả một quá trình nỗ lực và cống hiến

Vào chùa Munisrắskeo xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) tu năm 1985, đến 1992 sư Đức được sắc phong là Phó Đại đức chùa Munisrắskeo và 1999 là Đại đức tại đây. Đến năm 2010, thượng tọa Lý Minh Đức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phân công về làm Trụ trì chùa Som Rông, thuộc Phường 5 (TP. Sóc Trăng) – một trong những phường còn khá khó khăn với đông đồng bào Khmer sinh sống. Điều đặc biệt ở thượng tọa Lý Minh Đức là song song với quá trình tu hành giữ nghiêm giới luật, sư còn cả quá trình tham gia và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Khi còn ở chùa Munisrắskeo, sư Đức được bầu làm đại biểu HĐND xã Lâm Kiết, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện Thạnh Trị, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Trị… Hiện tại, thượng tọa Lý Minh Đức còn được cử tri tín nhiệm bầu chọn là đại biểu Quốc hội của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng khóa XIV.

Thượng tọa Lý Minh Đức chia sẻ: “Dù ở cương vị nào, tôi cũng đều cố gắng phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tôi luôn tìm tòi, học hỏi từ những câu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều mà tôi luôn muốn làm theo Bác đó chính là phong cách giản dị, biết yêu thương, san sẻ với mọi người xung quanh mình”. Bản thân là một tu sĩ và còn là người đại biểu của nhân dân, sư luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Thường xuyên trăn trở, suy nghĩ rằng mình cần phải làm điều gì đó để giúp ích cho địa phương, cho bà con trong phum sóc. Và để mọi người làm theo, nghe theo mình, trước hết bản thân luôn sống tốt đời đẹp đạo, tuyệt đối chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sau đó mới tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con. Với vai trò là đại biểu Quốc hội, sư Đức luôn quan tâm lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh những tâm tư đó tại các kỳ họp. Sư cũng từng đóng góp ý kiến của mình cho các dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Trợ giúp pháp lý, nhất là việc trợ giúp trong đồng bào dân tộc.

Đặc biệt, tại chùa Som Rông, sư Đức còn thành lập Câu lạc bộ “Thanh niên tôn giáo sống đẹp, sống có ích” với nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, thượng tọa đã tập hợp các sư sãi trong độ tuổi thanh niên cùng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Quan tâm xây dựng nhà chùa “Trang nghiêm, an toàn và xanh, sạch, đẹp”. Đến khuôn viên ngôi chùa Som Rông, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng ngôi bảo tháp tuyệt đẹp, sa la đồ sộ, cổ kính mà còn có thể cảm nhận được không khí trong lành, có nhiều cây xanh bóng mát và cảnh quan thật yên bình; tạo ấn tượng đẹp trong mắt của du khách gần xa. Đó là nhờ sự chăm chút, tu chỉnh nâng cấp hàng ngày của các vị sư sãi và phật tử; trong đó phải kể đến sự dẫn dắt nhiệt tình và đầy năng động của thượng tọa Lý Minh Đức. 

Để đảm bảo an ninh trật tự cho ngôi chùa, sư Đức còn cho xây dựng cổng chính, cổng phụ và quy định giờ giấc đóng, mở cửa. Các vị sư trong chùa, ngoài việc đi khất thực khi thực hiện những hoạt động nào khác, đều phải có ý kiến của vị trụ trì. Bên cạnh việc thuyết giảng giáo lý phật giáo, dạy những điều hay, việc làm ý nghĩa cho các “Thanh niên tôn giáo”, thượng tọa còn tạo điều kiện cho các sư được học nghề tại chỗ như vẽ tranh, điêu khắc, những ai trong độ tuổi đi học đều phải đến trường.

Luôn yêu thương những mảnh đời bất hạnh!

Ít ai biết rằng, một vị sư đầy thân thiện, nghĩa tình ấy lại có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh. Nhưng vượt qua nỗi bất hạnh ấy, sư Đức luôn biết vươn lên, xác định cho mình hướng đi đúng đắn, để sống và làm người có ích. 

Quê hương của thượng tọa Lý Minh Đức ở xã Lâm Kiết - một vùng quê vốn nhiều khó khăn, thiếu thốn, mà vốn dĩ cái thời xưa còn khó hơn bây giờ gấp bội phần. Hoàn cảnh của sư Đức thì càng bất hạnh hơn khi cha mất lúc vừa lên 3 tuổi, đến năm 14 tuổi thì mẹ cũng qua đời. Lúc ấy, để tiếp cận được với cái chữ càng không phải là chuyện dễ dàng nhưng chàng trai ấy vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học. Sau khi mẹ mất, sống với chị gái được 1 năm, sư Đức đi tu để trả hiếu cha mẹ. Vào chùa, sư luôn làm tròn bổn phận của một tu sĩ nhưng cũng vẫn chăm chỉ, miệt mài với việc học chữ. Hiện tại sư đã học hết lớp 12 và có trình độ trung cấp Phật giáo.

Có lẽ, chính vì hoàn cảnh không may mắn đó đã thôi thúc trong lòng vị thượng tọa ấy sống phải biết yêu thương, chia sẻ những khó khăn với mọi người. Sư Đức cho biết: “Sư luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; đồng thời cũng hiểu được còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, vất vả của phật tử nên sư luôn thuyết phục cho các sư sãi vào tu tại chùa được đi học đến nơi đến chốn. Hiện tại, ở chùa Som Rông có hơn 30 vị sư sãi, tất cả đều được học hành, trong đó có 4 vị đang học đại học. Nếu ai đã hết tuổi học văn hóa, sư cho học nghề nào đó phù hợp với bản thân. Hy vọng, mỗi người đều phải sống thật ý nghĩa, sống có ích cho xã hội”.

Không chỉ vậy, sư còn tranh thủ nguồn lực từ các nhà hảo tâm ủng hộ tập sách cho học sinh nghèo hay quần áo, mùng mền và các nhu yếu phẩm cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi năm có từ 500 - 700 triệu đồng. Sư Đức còn nhận nuôi một số người già neo đơn tại địa bàn; hàng tháng, gởi những phần quà, gạo để cùng chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.

Thời gian sắp tới, dù khoác trên vai nhiều trách nhiệm nhưng thượng tọa Lý Minh Đức sẽ sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, sư vẫn luôn đồng hành trong việc chung tay, góp sức hỗ trợ vật chất cũng như tuyên truyền cho bà con phật tử phải luôn sống tốt đời đẹp đạo; xây dựng ngôi chùa càng khang trang, sạch đẹp; xây dựng “Thanh niên tôn giáo” luôn làm những điều hay và sống có ích cho xã hội. 

Xuân Hương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: