• Thành phố Sóc Trăng trên đường phát triển

TP. Sóc Trăng đưa Pháp lệnh số 34 vào cuộc sống

08/12/2017 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/12/2017 | 06:01

STO - Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH XI của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” (gọi tắt Pháp lệnh số 34), nhân dân TP. Sóc Trăng ngày càng phát huy quyền làm chủ của mình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác điều hành, quản lý luôn chú trọng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, coi trọng tính công khai, dân chủ. Từ đó, quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của thành phố trong triển khai, chỉ đạo, thực hiện Pháp lệnh số 34 đã làm chuyển biến rõ nét ý thức trách nhiệm, phong cách làm việc, thái độ phục vụ, tiếp xúc nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân, giảm dần các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, cửa quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, kỷ cương pháp luật được tăng cường, nội quy, kỷ luật hành chính được thực hiện tốt hơn. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân thành phố chung tay góp sức mở rộng các tuyến đường nội ô.

Qua thực hiện Pháp lệnh số 34, quyền được cung cấp thông tin của người dân được các cơ quan, đơn vị đáp ứng ngày càng tốt hơn, nhất là các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhiều nội dung người dân được tham gia dân bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, như: tham gia đóng góp các loại quỹ, đóng góp nâng cấp hẻm, lát gạch vỉa hè, làm cột cờ ở các tuyến đường, nạo vét kênh mương nội đồng, cống rãnh trong nội ô, bàn bạc những biện pháp về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng quy ước khu dân cư...

Người dân còn được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, như: dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; kế hoạch, dự án huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình công cộng, việc bình xét các đối tượng vay vốn lãi suất ưu đãi ở các dự án, bình xét cất nhà tình thương cho hộ nghèo, bình nghị lấy ý kiến xét chọn tuyển gọi công dân nhập ngũ hàng năm, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp, trưởng ban, phó trưởng ban nhân dân khóm; các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch giải tỏa lộ giới, mức bồi hoàn giải phóng mặt bằng, các công trình phúc lợi, công trình dân sinh, đây là những vấn đề mà người dân rất quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, trong thực hiện mở rộng các tuyến đường Văn Ngọc Chính, Bạch Đằng, Dương Minh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Thị Điểm; Nguyễn Văn Linh, Trần Hưng Đạo, bờ kè sông Maspero, khu hành chính tỉnh, Bệnh viện Sản nhi, chợ Mùa Xuân… đều có sự tham gia của người dân. Từ đó, nhân dân đồng tình rất cao và đóng góp nhiều ý kiến cũng như sức người, sức của, trị giá hàng trăm tỉ đồng, góp phần đáng kể trong công tác chỉnh trang, phát triển đô thị.

Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện tốt vai trò giám sát của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại biểu HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội, chủ yếu tập trung giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở về tình hình phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kết quả thực hiện nghị quyết HĐND, thu các loại quỹ, phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân, việc thực hiện các chế độ, chính sách, các chương trình dự án do Nhà nước hỗ trợ, giám sát việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự... 

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thành - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, thực hiện tốt Pháp lệnh số 34, các cấp chính quyền không chỉ đổi mới phương thức làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn, tôn trọng, lắng nghe, chân thành tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng và chăm lo đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân mà còn gắn kết với công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng đạt hiệu quả. Việc tiếp nhận, giải quyết và hoàn trả hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đã giảm bớt những thủ tục, quy định rườm rà, không phù hợp, giảm phiền hà, thời gian đi lại, tiền bạc cho người dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và tổ chức trong tiếp cận các dịch vụ hành chính công, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện dân chủ ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Lấy hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở làm một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá thi đua hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hàng năm.

H.Lan

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: