• Thành phố Sóc Trăng trên đường phát triển

TP. Sóc Trăng phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh

16/10/2020 16:20 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 16/10/2020 | 16:20

STO - Trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Trần Hoàng Hợp - Phó Chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng chia sẻ về công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, góp phần xây dựng TP. Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn loại II. Báo Sóc Trăng trích đăng bài tham luận.

TP. Sóc Trăng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; là đầu mối giao lưu thương mại - dịch vụ giữa các huyện trong tỉnh và liên tỉnh; thành phố có 10 phường, 60 khóm với diện tích tự nhiên hơn 76km2, dân số trên 138 nghìn người. Năm 2007, TX. Sóc Trăng được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Sau 13 năm (2007 - 2020) xây dựng và trưởng thành, TP. Sóc Trăng không ngừng phát triển, qua đó đã và đang bắt nhịp cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP. Sóc Trăng đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra giải pháp lãnh đạo địa phương phát triển toàn diện, trong đó, đặc biệt chú trọng “Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, góp phần xây dựng TP. Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại II” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, thành phố luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố, các ngành, Đảng bộ 10 phường đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Từ đó, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị TP. Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo đô thị có sự chuyển biến rõ rệt, nếp sống văn minh đô thị được hình thành, đã góp phần tích cực trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị của tỉnh nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đồng chí Trần Hoàng Hợp - Phó Chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng. Ảnh: H.Lan

Công tác quy hoạch và thực hiện các đồ án quy hoạch đảm bảo tiến độ, hiện nay, quy hoạch tổng thể về xây dựng TP. Sóc Trăng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị và Chương trình phát triển đô thị TP. Sóc Trăng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang triển khai thực hiện; đồng thời, đã và đang lập quy hoạch phân khu đạt 85,84% trên nền diện tích tự nhiên là 7.600,86 ha, góp phần phục vụ mục tiêu quy hoạch chi tiết phát triển các dự án dân cư, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được thực hiện đồng bộ theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các công trình công cộng, dự án nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn… được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển khá nhanh. Cụ thể, đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 56 tuyến đường, 100% đường phố chính được chiếu sáng, 87% hẻm được chiếu sáng; điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh được cung cấp 24/24; số hộ dân được cung cấp nước sạch, sinh hoạt 98%.

Các công trình văn hóa, giáo dục, trung tâm thương mại được bố trí phù hợp với quy hoạch như: Trung tâm văn hóa - thể thao, công viên, chợ, các siêu thị, bến xe, bệnh viện... Nhiều khu dân cư mới được hình thành, các khu ở chưa bảo đảm hạ tầng từng bước được khắc phục bước đầu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; nhiều công trình trọng điểm của tỉnh được khởi công và đưa vào sử dụng như: công trình bờ kè sông Maspero, cảng sông, cầu Maspero, Bệnh viện Đa khoa và chuyên khoa Sản Nhi, khai thác tuyến tránh Quốc lộ 1A, Vincom… đã tạo được cảnh quan thông thoáng, hài hòa của một đô thị như hiện nay.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được 24.000 tỉ đồng, vốn ngân sách thành phố là 261.628 tỉ đồng; còn lại của tỉnh, các thành phần kinh tế và nhân dân hỗ trợ và đầu tư. Đến nay đã thực hiện được 115/116 dự án, như: cải tạo Công viên 30-4, Công viên Bạch Đằng, Công viên Thanh Niên, đường Hùng Vương; nâng cấp mở rộng 3 tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Quang Khải và Dương Kỳ Hiệp; thực hiện trồng mới cây xanh; cải tạo hệ thống chiếu sáng, thảm nhựa các tuyến đường nội ô; đầu tư lắp đặt hệ thống mương cống thoát nước... đã tạo cho thành phố một diện mạo mới ngày càng khang trang, trật tự và văn minh, từng bước tương xứng với vị trí trung tâm của tỉnh.

Cùng với việc tập trung nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đô thị ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp, TP. Sóc Trăng cũng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II; tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh từ nguồn vốn kiến thiết thị chính, thành phố tập trung đầu tư nâng cấp phát triển đô thị để phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, xử lý hệ thống thoát nước, hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, xây dựng hoàn chỉnh 4 khu sinh hoạt cộng đồng; đồng thời, tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng, đất đai, môi trường, đã khắc phục được phần nào tình trạng rác thải và ô nhiễm môi trường, thành phố đang hoàn thiện 2 dự án thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2; cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%; chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường là 97,20%; xử lý dứt điểm đối với 33 kênh, mương ô nhiễm… Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí đối với 20 tuyến đường văn minh đô thị trên địa bàn thành phố... đến nay, theo Nghị quyết số 1210/2010/UBTVQH 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố đã thực hiện đạt 50/51 chỉ tiêu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố còn một số hạn chế, khó khăn nhất định: kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, tiêu chí về mật độ giao thông chưa đảm bảo của đô thị loại II; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có mặt còn hạn chế; tình trạng xây dựng trái phép, khu dân cư tự phát chưa được xử lý dứt điểm, triệt để; việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường còn nhiều vấn đề cần quan tâm; việc thực hiện tuyến đường văn minh đô thị chưa tạo chuyển biến rõ nét.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phát triển đô thị trên địa bàn thành phố “phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh” mà Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, nhiệm vụ thứ 3 là “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường theo các tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh”; đồng thời, Thành ủy sẽ ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực quản lý đô thị và quản lý, bảo vệ môi trường, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau: Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển đô thị theo các tiêu chí của đô thị loại II, quan tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt, nâng cao các tiêu chí đạt nhưng còn ở mức thấp và tập trung chỉ đạo phát triển giao thông đô thị; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án nâng cấp đô thị bảo đảm đồng bộ, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có kế hoạch kêu gọi đầu tư cụ thể, chi tiết để thu hút các nhà đầu tư; cấp phép xây dựng đúng quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý đô thị; đặc biệt là tập trung đầu tư và phát triển đúng định hướng theo quy hoạch được duyệt. Tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, xử lý các khu dân cư tự phát trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là kiểm tra, quản lý chặt chẽ lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường, dịch vụ công ích; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển đô thị; hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung. Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, ưu tiên đầu tư các tuyến vành đai, các tuyến đấu nối, các công trình trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư công. Hình thành và phát triển các khu dân cư mới với kiến trúc hiện đại, phát triển về chiều cao, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tiếp tục chỉnh trang các khu dân cư hiện có, đảm bảo các tiêu chuẩn giao thông đô thị tiện ích và khả năng thụ hưởng hệ thống dịch vụ và phúc lợi xã hội của dân cư. Kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị; đồng thời nâng cấp các chợ phường, nhằm phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương. Xây dựng chính quyền đô thị hoàn chỉnh. Hình thành các quy chế quản lý đô thị; quy chế kiểm tra trật tự đô thị ở cấp phường và thành phố. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh sắp xếp tổ chức lắp đặt hệ thống các biển báo, biển cấm, biển hướng dẫn; các biển quảng cáo, tuyên truyền tại các điểm văn hóa trong đô thị. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề “vì một thành phố văn minh”. Tổ chức thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phối hợp quản lý chặt chẽ chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, y tế. Hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Làm tốt việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành đảm bảo năng lực điều hành của chính quyền đô thị và hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến liên thông; công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hành chính. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là quản lý đô thị; kiểm tra chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng vi phạm trong sử dụng đất, cấp phép xây dựng và trật tự đô thị; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị và phục vụ nhân dân. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề giải tỏa, đền bù, tái định cư đảm bảo lợi ích của người dân và tạo điều kiện triển khai nhanh các công trình xây dựng trên địa bàn. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý đô thị. Tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng thành phố văn minh hiện đại.

H.Lan (Lược ghi)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: