• Thị xã Ngã Năm

Ăn nên làm ra nhờ mùa nước nổi

05/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/10/2017 | 06:00

STO - Mùa nước nổi về không chỉ đem đến lượng phù sa, giúp các cánh đồng xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu mà còn là dịp để nhiều hộ dân trên địa bàn TX. Ngã Năm tăng thêm thu nhập từ các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản.

Mới hơn 7 giờ sáng mà cơ sở sơ chế cá của anh Trần Văn Loan ở khóm Tân Trung, Phường 2 đã tập trung nhiều nhân công đến sơ chế số cá đồng vừa được cơ sở thu mua về. Sau khi cá đã được xử lý vảy thì các chị em nhân công dùng kéo cắt đầu, vây, đuôi cá… để muối xổi rồi đem giao cho các cơ sở làm mắm. Anh Trần Văn Loan - chủ cơ sở sơ chế cá đồng cho biết: “Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, mỗi ngày cơ sở tôi thu mua được khoảng 300kg cá đồng. Còn từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là thời điểm vào mùa nước nổi nên mỗi ngày cơ sở tôi thu mua lên đến khoảng 800kg hoặc 1 tấn cá các loại”.

Khoảng 6 năm nay, cứ đến mùa nước nổi là cơ sở của anh Loan lại nhộn nhịp, tất bật với nghề. Theo anh Loan, so với trồng lúa thì thu nhập từ việc sơ chế cá rồi đem bán cho các cơ sở làm mắm có thu nhập cao hơn vì ngày nào cũng có lợi nhuận. Trung bình mỗi ngày cơ sở sơ chế được chừng 500kg cá thương phẩm, mỗi kg cá có giá trung bình 14.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày cơ sở của anh Loan có lãi khoảng 2 triệu đồng. Anh Loan còn tận dụng nguồn phế phẩm từ việc sơ chế cá đồng làm thức ăn cho 3 vèo nuôi cá lóc của gia đình.

Lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ việc sơ chế cá vào mùa nước nổi.

Cùng với việc đem lại lợi nhuận hàng ngày, cơ sở của anh Loan còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 15 - 20 nhân công đến làm thuê. Với 1 kg cá qua sơ chế được trả công 1.000 đồng, trung bình, một người có thu nhập từ 70.000 đồng/ngày, nếu ai làm giỏi thì thu nhập có thể lên đến 100.000 đồng/ngày. Bà Lâm Thị Phấn ở Phường 2 chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đến đây để sơ chế cá đồng. Thông thường, tôi đến từ sáng sớm, hơn 5 giờ sáng là có mặt tại đây để làm, nếu ngày nào cá nhiều thì tầm 5 giờ chiều mới về, còn cá ít thì về sớm hơn. Mỗi ngày thu nhập 70.000 đồng cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà”.

Công việc này cũng thu hút nhiều em học sinh đến làm lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập. Em Đinh Bắc Muội kể: “Khoảng 2 tháng nay, sau khi đi học buổi sáng về là em đến đây để sơ chế cá, mỗi buổi cũng cắt được chừng 60kg cá. Số tiền kiếm được em để dành mua tập, sách hoặc dùng vào các chi phí học tập khác”.

Ngoài những cơ sở sơ chế cá vừa và nhỏ, mùa này, nhiều hộ khác còn thu mua thủy sản để chế biến mắm cá. Bà Nguyễn Thị Nga ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình khoe: “Hổm rày tôi cùng với mấy chị em trong gia đình mua được mấy chục kg cá đồng để dành làm mắm. Số mắm làm được tôi bán lẻ hoặc đem bỏ mối ở các nơi khác cũng được. Mắm cá rô, cá sặc được nhiều người ưa chuộng nên cũng không lo đầu ra”. Nhờ khéo tay và công thức chế biến riêng nên khoảng 4 năm nay, cứ vào mùa nước nổi là thu nhập từ việc bán mắm cá đã giúp bà Nga kiếm lãi được từ 5 - 10 triệu đồng/mùa.

Thời điểm này, những người sinh sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi cũng miệt mài trên những cánh đồng trắng nước. Chỉ cần có một chiếc xuồng và một số dụng cụ, như: lưới, lú, dớn… là có thể kiếm thêm thu nhập từ nguồn thủy sản tự nhiên. Anh Lâm Văn Đức ở Phường 2 cho biết: “Năm nay, nước lũ về sớm hơn năm ngoái chừng một tháng nên lượng cá cũng nhiều hơn. Tôi cũng đi thả lưới, đặt lú ở các cánh đồng ngập nước. Tùy theo số cá đánh bắt được nhiều hay ít mà mình có thu nhập cao hay không, có bữa tôi thu nhập từ 200.000 đồng nhưng có ngày cũng kiếm được 500.000 đồng”.

Chị Trần Thị Trắng cũng ở Phường 2 lại tranh thủ mùa này để bắt ốc bươu vàng bán cho các thương lái. “Hai giờ sáng tôi đã thức dậy để ra đồng bắt ốc bươu vàng, thời điểm này trời mát, ốc nổi lên mặt nước nhiều nên tôi bắt tới 5 giờ sáng là trở về nhà. Sau khi đem đi luộc để lể lấy thịt bán cho thương lái cũng được 10.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được 160.000 đồng. Mùa này mình chịu khó thì cũng kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Là địa phương thuần nông, đời sống người dân trên địa bàn TX. Ngã Năm còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Nếu trước đây rất nhiều người phải lo âu đối phó mỗi khi lũ về thì nay đã có nhiều người tận dụng mùa nước lũ để khai thác thủy sản, nhất là những hộ không có đất sản xuất cũng có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình vùng nông thôn. 

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: