• Thị xã Ngã Năm

Khuyến công hỗ trợ phát triển đa dạng ngành nghề

05/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/07/2018 | 06:00

STO - Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn với nhiều ngành nghề khác nhau mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã đáp ứng ngày càng sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn; nhiều nội dung, đề án đã được triển khai và đạt hiệu quả. Theo đó, việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp nhiều ngành nghề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các cơ sở công nghiệp phát huy hiệu quả.

Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đầu tư mới máy móc, thiết bị đã giúp nhiều cơ sở nâng cao năng suất lao động.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện 20 đề án khuyến công. Trong đó, Chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 2 đề án với số tiền 500 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 803,6 triệu đồng; chương trình khuyến công địa phương thực hiện 18 đề án với số tiền hỗ trợ hơn 1,4 tỉ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều cơ sở đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 đã thực hiện hoàn thành 11 đề án khuyến công với số tiền trên 6,4 tỉ đồng, trong đó chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 1 đề án với kinh phí hỗ trợ 297,6 triệu đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 3,9 tỉ đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 10 đề án với số tiền 658,7 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 1,5 tỉ đồng.

Với nội dung hỗ trợ thiết thực, nguồn vốn khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn với nhiều ngành nghề, như: chế biến lương thực, thực phẩm, xay xát, cơ khí, vật liệu xây dựng… có thêm điều kiện để đổi mới thiết bị, công nghệ áp dụng vào quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Đáng chú ý, trong tháng 5-2018 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ Công ty TNHH sản xuất và xây lắp Hòa Bình (TX. Ngã Năm) xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung với kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng để mua sắm máy móc thiết bị. Với dây chuyền có công suất thiết kế 7,5 triệu viên/năm, công ty tạo ra sản phẩm gạch ống 4 lỗ và gạch thẻ 2 lỗ. Việc sản xuất sản phẩm gạch này được nhiều cơ quan chức năng đánh giá là góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng khai thác tài nguyên đất nông nghiệp trong sản xuất vật liệu gạch nung.

Từ nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ phát triển sản phẩm gạch không nung thân thiện với môi trường.

Đối với các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm hay xay xát, nhiều cơ sở cũng tận dụng hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ để đầu tư đúng hướng. Ông Dương Văn Khâm - chủ cơ sở sản xuất bún ở Phường 3 (TX. Ngã Năm) chia sẻ: “Trong năm 2018, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tôi đã đầu tư lò hơi, đầu ép bún, dàn hấp bún băng chuyền với tổng kinh phí hơn 346 triệu đồng, trong đó vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng đã kịp thời giúp cơ sở tôi nâng cao năng suất. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất 500kg bún, tăng 30% so với trước; đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Việc đầu tư mới các thiết bị còn giúp cơ sở tôi hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm điện năng tiêu thụ”.

Ngoài các đề án hỗ trợ trên, nhiều cơ sở thụ hưởng khác cũng cho rằng, mức hỗ trợ đã khuyến khích đơn vị mạnh dạn đầu tư ứng dụng thiết bị hiện đại; giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận. Với những kết quả này cho thấy, các nội dung khuyến công hỗ trợ đã gắn với nhu cầu thực tế của cơ sở. Các doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thêm thị trường. Sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề án để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động sản xuất hiệu quả. Trước mắt, trong tháng 8, trung tâm sẽ giám sát tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và các đề án khuyến công địa phương; nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các đề án sau khi hoàn thành.

Với việc dành các chính sách hỗ trợ phát triển nhiều ngành nghề công nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: