• Thị xã Ngã Năm

Làm giàu với mô hình “3 cây 1 con”

23/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 23/11/2019 | 06:00

STO - Dự án “3 cây 1 con” trên địa bàn TX. Ngã Năm được triển khai thực hiện trong những năm qua đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều nông dân. Thông qua dự án trên, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi mạnh mẽ theo hình thức “đa canh, đa con”, góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất và mô hình đã và đang được nhân rộng tại các địa phương trên toàn thị xã.

Anh Huỳnh Văn Danh, ở ấp Tân Bình, xã Long Bình (TX. Ngã Năm) cho hay vườn bưởi da xanh nhà anh đang giai đoạn cho trái đầu vụ. Ảnh: THÚY LIỄU

Có dịp đến tham quan nhiều mô hình “3 cây 1 con” trên địa bàn TX. Ngã Năm nhưng mô hình làm chúng tôi ấn tượng nhất là mô hình chăn nuôi bò sinh sản, kết hợp trồng các loại cây ăn trái của anh Huỳnh Văn Danh, ở ấp Tân Bình, xã Long Bình. Anh Danh có tuổi đời chưa đến 40 nhưng có trong tay “cơ ngơi” khá vững chắc với các mô hình đều sinh lợi nhuận tốt theo từng năm.

Anh Danh tâm tình: “Hơn 10 năm gắn bó cùng cây lúa, mặc dù ở đây năng suất lúa cao, lúa sản xuất 2 vụ/năm nhưng theo tính toán thì lợi nhuận thu về thấp. Khi nghe địa phương và các ngành chuyên môn, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông tỉnh tuyên truyền về dự án “3 cây 1 con” thực hiện trên toàn thị xã, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân khi tham gia dự án, kể cả tập huấn các lớp trồng trọt, chăn nuôi cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất bài bản, hữu ích nên tôi quyết định chuyển đổi 10 công đất sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi”.

Theo anh Danh, vật nuôi chủ lực anh chọn là bò sinh sản. Với 6 con bò cái ban đầu, sau 3 năm phát triển đàn bò tăng số lượng lên là 12 con và trước đó đã bán 6 con bò tơ, thu về số tiền gần 100 triệu đồng. Hiện tại, chuồng nuôi có 8 con bò cái giai đoạn sinh sản và 4 bê. Dự kiến sẽ “gầy dựng” 15 bò cái sinh sản để tạo ra đàn bê số lượng nhiều hơn, cung ứng ra thị trường cũng như hướng đến thành lập trang trại chăn nuôi bò sinh sản, vừa cung cấp con giống vừa bán bò thịt. “Có số lượng đàn bò nhiều, để đảm bảo lượng thức ăn dồi dào cho chúng, tôi trồng hẳn 6 công cỏ và tận dụng thêm rơm rạ tới vụ thu hoạch dự trữ” - anh Danh chia sẻ.

Ngoài con bò, anh Danh còn nuôi đàn gà, đàn vịt, trong 3 đợt nuôi trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm. Nuôi gia cầm thịt, anh Danh không sử dụng thức ăn công nghiệp, chủ yếu là tự đi bắt ốc và mùa nước lũ thì giăng lưới bắt các loại cá về làm mồi cho chúng ăn nên giảm tối đa chi phí chăn nuôi, tăng lợi nhuận cũng như chất lượng thịt gia cầm ngon và tiêu thụ khá tốt trên thị trường.

Nói là “1 con” nhưng thực tế tại hộ anh Danh thì ngoài bò, gia cầm, anh còn đào ao thả cá như: cá điêu hồng, cá tai tượng… Thức ăn của cá tận dụng từ nguồn chất thải của gia cầm hay các loại ốc bắt ngoài đồng, bổ sung các loại rau muống, rau lang được hái dọc theo hai bên bờ ao trồng sẵn. Với cá, thường được thu hoạch vào dịp cuối năm, đây là thời điểm tháng mùa khô, nguồn cá đồng khan hiếm nên bán các loại cá này được giá, diện tích thả nuôi cá tầm 1.000m2 mặt nước, sản lượng thu về 2,5 tấn, lợi nhuận cũng đạt hàng chục triệu đồng/năm.

Phấn khởi đưa khách đi tham quan vườn trồng bưởi da xanh đang bắt đầu cho trái đầu vụ, anh Danh bộc bạch: “Toàn bộ số bưởi và xoài Đài Loan tôi trồng trong vườn là được nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ với 500 cây bưởi da xanh và 150 cây xoài Đài Loan. Số bưởi đang cho những lứa trái đầu tiên, thấy rất khả quan, bởi bưởi đậu trái nhiều, mặc dù các cây cho trái chưa đồng loạt nhưng đây là một tín hiệu vui và đáng mừng. Đồng thời, trong vườn bưởi, xoài tôi còn xen canh thêm cây chuối xiêm cũng cho thu nhập vài chục triệu/năm…”.

Phụ trách Trạm Khuyến nông TX. Ngã Năm Nguyễn Văn Điện cho biết: “Dự án “3 cây 1 con” được triển khai thực hiện trên địa bàn TX. Ngã Năm rất phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân trong việc chuyển đổi những diện tích đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như mô hình tại nhà anh Danh cho thấy, anh đã tận dụng tối đa phần đất của gia đình để sản xuất “đa cây, đa con”, tận dụng phế phẩm chăn nuôi làm thức ăn cho các loài vật nuôi khác và để đảm bảo môi trường nuôi, chủ hộ đã tận dụng nguồn phân bò làm phân bón hữu cơ bổ sung cho các loại cây trồng, kể cả dùng phân bò nuôi trùn quế làm thức ăn cho gia cầm, cá…”.

Thúy Liễu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: