• Thị xã Vĩnh Châu

Hội thảo “Sự cần thiết xây dựng chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm trứng bào xác artemia”

12/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 12/06/2017 | 06:00

STO - Sở Khoa học và Công nghệ (KH - CN) vừa tổ chức Hội thảo “Sự cần thiết xây dựng chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm trứng bào xác artemia”.

Dự hội thảo có các đồng chí: Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH - CN); Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH - CN; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và lãnh đạo UBND TX. Vĩnh Châu.

Quang cảnh hội thảo.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, diện tích nuôi artemia toàn thị xã là 650ha, tập trung khu vực các xã, phường: Lai Hòa, Vĩnh Tân và Vĩnh Phước, với sản lượng thu hoạch dao động từ 20 tấn đến 30 tấn/năm, diện tích qua từng năm sẽ có khả năng tăng từ 150ha đến 200ha. Đồng thời, trứng bào xác artemia Vĩnh Châu được công nhận có chất lượng tốt nhất thế giới và đây là nghề truyền thống mang tính đặc thù của địa phương.

Nhưng trên thực tế, trong những năm qua, artemia tại đây vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế; nguyên nhân chủ yếu là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường và dịch vụ đầu ra, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các thương lái nhỏ lẻ tại địa phương.

Chính vì vậy, để artemia được đảm bảo quyền lợi khi xuất bán trên thị trường hay xuất khẩu rất cần xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia, với mục đích nhằm tăng giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho người dân và khi bán trên thị trường, sản phẩm có sự truy xuất nguồn gốc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu dự hội thảo đã trao đổi các điều kiện cần và đủ để xây dựng được chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia; theo đó, phải xây dựng quy trình nuôi, xác định sản phẩm đăng ký đã và đang sử dụng vì có dạng khô, đông lạnh… Đồng thời, dự báo khu vực mở rộng, xây dựng cơ chế quản lý bán sản phẩm, lựa chọn đơn vị khai thác chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia nhằm phát huy sản phẩm.

Đồng chí Đinh Hữu Phí nhận định: “Doanh thu từ artemia đem về cho TX. Vĩnh Châu khá lớn và đây là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia nhằm phát huy sản phẩm rất cần thiết”. 

Với thực trạng nêu trên, đồng chí Đinh Hữu Phí đề nghị Sở KH - CN và UBND TX. Vĩnh Châu xúc tiến nhanh các thủ tục cần thiết để gởi đến Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định dự án, để khi được thông qua các bộ phận phải thuyết minh thật chi tiết, cụ thể quy trình, kỹ thuật nuôi. Khi dự án được thông qua phải mở rộng sản xuất và đơn vị sở hữu quản lý phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Về phía Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ủng hộ địa phương theo trình tự thủ tục.

* Dịp này, đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và UBND TX. Vĩnh Châu đã đi khảo sát thực tế tại Hợp tác xã (HTX) artemia Vĩnh Châu, ấp Nô Pôn, xã Vĩnh Tân. Tại đây, đoàn được lãnh đạo HTX giới thiệu tình hình sản xuất của đơn vị trong năm qua và giới thiệu các quy trình nuôi artemia trong ao cũng như quy trình tạo nên sản phẩm artemia thành phẩm đóng gói xuất khẩu, tiêu thụ trong nước. 

Đoàn công tác khảo sát tình hình nuôi, sản xuất Artemia tại Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu

Cũng tại TX. Vĩnh Châu, đoàn công tác đến khảo sát Trại thực nghiệm artemia Vĩnh Châu, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) đặt tại phường Vĩnh Phước. PGS. TS Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản đưa đoàn đi tham quan các ao nuôi artemia có tổng diện tích 17ha và giới thiệu về khu vực ương trứng, dưỡng trứng, dưỡng giống artemia, kể cả quy trình sản xuất trứng đóng gói thành phẩm và bảo quản.

Tại chuyến khảo sát, đồng chí Đinh Hữu Phí đánh giá cao sự chịu khó của các thành viên HTX trong quá trình nuôi artemia, vì đây là một loài thủy sản khó nuôi, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật tốt mới có vụ nuôi thành công. Riêng tại Trại thực nghiệm của Khoa Thủy sản, đồng chí Đinh Hữu Phí cho rằng: “Việc PGS. TS Nguyễn Văn Hòa di nhập giống artemia về Vĩnh Châu thử nghiệm nuôi thành công là điểm nhấn tạo nên một loài thủy sản mới, riêng biệt chỉ có ở TX. Vĩnh Châu mà một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh không có. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển nghề nuôi, tăng thu nhập và hỗ trợ bổ sung các kiến thức về nghề nuôi artemia cho sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ”.

Thúy Liễu - Thanh Thảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: