• Thị xã Vĩnh Châu

Mô hình đan giỏ góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ nghèo

03/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 03/05/2018 | 06:00

STO - Đến trụ sở của Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu), không khí làm việc khá nhộn nhịp, vui vẻ. Đây là nơi được tổ sản xuất của ấp mượn làm địa điểm tổ chức cho các hộ dân tại địa phương đến đan giỏ bằng sợi nhựa, kiếm thêm thu nhập, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Anh Phạm Văn Mừng - Phó trưởng Ban nhân dân ấp Kinh Mới phấn khởi cho biết: “Mô hình đan giỏ này chúng tôi thực hiện được 2 năm rồi. Sản phẩm được sản xuất theo cách đơn vị tiêu thụ cung cấp tất cả nguyên liệu, chúng tôi đan giỏ, làm quai… để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh và được trả tiền công. Đơn vị đặt hàng là cơ sở thủ công mỹ nghệ Ngọc Mai (Châu Thành)”. 

Người dân ấp Kinh Mới tham gia mô hình sản xuất giỏ.

Thời gian đầu khi mô hình mới ra mắt, có 29 người dân ấp Kinh Mới học nghề và tham gia sản xuất giỏ, hiện nay mô hình duy trì ổn định với 15 người thường xuyên tham gia. Chị Lê Thị Nho - người dân tham gia mô hình bộc bạch: “Nhìn thấy đơn giản vậy chứ cũng không dễ đâu. Lúc đầu, chưa quen tay, kéo qua kéo lại dây nhựa xước vào tay hoài. Nhiều bữa đan rồi tay rất ê ẩm; làm riết rồi quen, da tay chắc cũng chai nên không còn bị đau nữa. Nghề này được cái ở trong mát làm. Nhà không có chỗ thì mình đến đây làm. Gia đình tôi làm nghề nuôi tôm, thời gian trống cũng nhiều, nên đan giỏ kiếm thêm được đồng ra đồng vô”. 

Đan một chiếc giỏ được trả công từ 15.000 - 25.000 đồng (tùy kiểu dáng, kích thước), mỗi ngày 1 thợ đan được chừng 4 chiếc. Theo anh Phạm Văn Mừng, hiện nay, trung bình mỗi thợ đan giỏ tham gia mô hình thu nhập khoảng 1,5 đến 1,6 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Tuyết Minh - thành viên tổ sản xuất mong muốn được tổ sản xuất và cơ sở bao tiêu tăng giá gia công cho mỗi sản phẩm chừng 2.000 đồng, như vậy mới đảm bảo với công sức bỏ ra.

Từ khi mô hình dần đi vào ổn định, ấp Kinh Mới đã tổ chức dạy nghề cho 45 người của ấp Đặng Văn Đông và ấp Phạm Kiểu (Vĩnh Hiệp) để nhân rộng mô hình. Anh Phạm Văn Mừng cho biết thêm: “Sắp tới sẽ tổ chức truyền nghề cho 34 người ở ấp Tân Lập A (Vĩnh Hiệp) và liên kết các ấp để thành lập tổ hợp tác sản xuất liên ấp. Hiện toàn ấp Kinh Mới còn 8 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Từ ngày có mô hình sản xuất giỏ, toàn ấp đã có 10 hộ thoát nghèo, nhiều hộ trong số này đã tham gia mô hình và kiếm được thêm thu nhập hỗ trợ thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp Lê Văn Nguyền chia sẻ: “Vĩnh Hiệp là xã vùng nông thôn, cách xa trung tâm TX. Vĩnh Châu, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao (5,67% hộ nghèo, 28% hộ cận nghèo). Mô hình sản xuất giỏ của ấp Kinh Mới đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là các hộ làm nghề nuôi tôm. Qua đó, mô hình đã giúp người dân tại ấp Kinh Mới nói riêng và người dân các ấp lân cận kiếm thêm thu nhập, giảm nghèo. Tuy nghề này cho thu nhập không cao nhưng tận dụng được thời gian nhàn rỗi và khá bền vững”.

Như vậy, qua hơn 2 năm hoạt động, mô hình đan giỏ của ấp Kinh Mới đã có hướng phát triển đúng và được nhân rộng khắp các ấp tại xã Vĩnh Hiệp. Tuy nhiên, tổ hợp tác cũng cần chú ý đến nguyện vọng được tăng giá gia công của “thợ” để đảm bảo công lao động của người tham gia cũng như sự phát triển bền vững của mô hình, hướng tới thành lập tổ hợp tác sản xuất liên ấp.

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: