• Thị xã Vĩnh Châu

Mở lối về cho người lầm lỡ

20/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/12/2017 | 06:00

STO - Thực hiện theo truyền thống nhân văn của dân tộc “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại’’, những năm qua, Công an Phường 1 (TX. Vĩnh Châu) đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp những người lầm lỡ, từng sa vào con đường nghiện ngập ma túy, có tiền án, tiền sự làm lại cuộc đời.

Vì phút yếu lòng phải trả giá đắt

Xuất thân trong một gia đình nghèo, nên ông L.L (ở Khóm 6, Phường 1) và 4 anh em không được đến trường. Cha mẹ ông  L phải lo làm thuê, làm mướn kiếm sống, không có thời gian quan tâm đến con cái. Đến tuổi trưởng thành, do không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất, ông cùng bạn bè tụ tập chơi bời lêu lổng. Để có tiền tiêu xài cho các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, ông đánh liều trộm tài sản của người khác. Vài lần thực hiện thành công, ông lún sâu vào con đường phạm pháp.

Công an phường thường xuyên tiếp xúc các đối tượng để nắm diễn biến tư tưởng, khó khăn, kịp thời tham mưu, đề xuất Đảng ủy, UBND phường quan tâm giải quyết.

Nhớ lại quá khứ trai trẻ, ông L hối hận: “Thời trẻ còn nông cạn, ham vui, nghe lời bạn bè mà mình đã đánh mất cả tương lai. Trong một lần trộm đồ, tôi bị lực lượng chức năng bắt giữ và chịu án phạt 7 năm tù giam. Sau khi ra tù, trở về quê, nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt dè chừng. Trước đây xin việc làm đã khó, giờ muốn tìm việc càng khó hơn”. 7 năm chấp hành án phạt, thời gian ấy đã đủ cho ông L thấm thía, chỉ vì buôn lỏng bản thân, ông đã sa đà vào chuyện ăn chơi, trộm cắp, tương lai phía trước thì mù mịt.

Do không tìm được việc làm tại địa phương, L.H.K (ở Khóm 5, Phường 1) phải lên thành phố lập nghiệp. Một mình giữa chốn phồn hoa đô thị, không có người quan tâm, một phút yếu lòng nghe bạn thử dùng ma túy mà K phải trả giá quá đắt, bao nhiêu tiền kiếm được đều tan thành mây khói theo “nàng tiên nâu”. Cũng như K, một mình sống nơi đất khách, vì buồn nên N.H.C (ở Khóm 3, Phường 1) cũng tìm ma túy làm "bạn". 2 năm vật lộn để chia tay với ma túy, đối với C là khoảng thời gian khủng khiếp nhất. Em tâm sự: “Nhắc đến ma túy là em chỉ nghĩ đến nỗi sợ hãi. Thời gian cai nghiệm, em lấy gia đình làm động lực để vượt qua”. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, K và C gặp nhiều khó khăn, không tìm được việc làm vì không ai thuê người từng nghiện ma túy.

Trung tá Trần Hoàng Thử - Trưởng Công an Phường 1 cho biết: “Đa số các đối tượng trước đây nghiệm ma túy, phạm tội, sau khi chấp hành xong án phạt, cai nghiện, về địa phương gặp khó khăn. Bản thân các đối tượng rất mặc cảm, chịu sự kỳ thị của mọi người xung quanh, tìm việc làm rất khó. Vì vậy các đối tượng này thường bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống. Trước thực trạng đó, nếu địa phương không quan tâm giúp đỡ thì con đường làm lại cuộc đời của các đối tượng này rất gập ghềnh, có thể còn bị kẻ xấu lôi kéo, quay lại đường cũ”.

Tìm lối đi cho người lầm đường

Tương lai tưởng chừng khép lại với những người từng mang án, nghiệm ma túy. Nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó, nòng cốt là Công an Phường 1, đã giúp cho những đối tượng muốn hoàn lương tìm được con đường hòa nhập với cộng đồng. Ngoài việc thể hiện sự quan tâm của ngành chức năng đối với những đối tượng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, Công an phường thường xuyên tiếp xúc các đối tượng để nắm diễn biến tư tưởng, khó khăn, kịp thời tham mưu, đề xuất Đảng ủy, UBND phường quan tâm, giúp đỡ.

Trong các dịp lễ, tết, Công an Phường 1 vận động kinh phí để tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tá Trần Hoàng Thử cho biết: “Công an Phường 1 rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng với những người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy. Thời gian qua, Công an phường đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND Phường 1 hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Mạnh dạn đề xuất với cấp trên đưa đối tượng tù tha về có biểu hiện tốt, chấp hành pháp luật vào lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ tại trường học, bệnh viện, giới thiệu việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện tại các doanh nghiệp. Trong năm 2017, địa phương cũng đã xét cho 10 thân nhân đối tượng được vay vốn. Ngoài ra, vào dịp lễ, tết, Công an phường vận động kinh phí để tổ chức thăm, tặng quà cho 15 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn”.

Trong các giải pháp Công an phường thực hiện thì việc đề xuất các đối tượng lầm lỗi vào lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan được xem là một giải pháp giúp các đối tượng lầm lỗi “vượt rào” mặc cảm và lấy được lòng tin, cái nhìn thiện cảm với những người xung quanh. Trung tá Trần Hoàng Thử giải thích rõ: “Đối tượng sau cai nghiệm, tù tha về rất mặc cảm. Do trên địa bàn huyện chưa có các khu, cụm công nghiệp, nên tìm việc cũng khó. Tôi nghĩ chúng ta nên cho họ cơ hội, để họ thấy rằng bên cạnh họ còn nhiều cơ quan chức năng, người dân luôn quan tâm, ủng hộ, không xa lánh, không kỳ thị, để họ có nhận thức làm sao trở thành người tốt. Qua tìm hiểu, nắm thông tin từ trưởng ban nhân dân khóm, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, các đối tượng được đưa vào ban bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, làm việc tại các doanh nghiệp đều chuyển biến rõ về tư tưởng, hành động, chăm chỉ, làm tốt công việc, tham gia giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.

Đến thăm gia đình ông L.L, ông khoe, hiện giờ là thành viên của ban bảo vệ dân phố của khóm. Ngoài giờ trực, ông đi câu cá mỗi ngày kiếm thêm tiền. Ông L xúc động: “Nhờ các anh công an ở phường quan tâm khuyên nhủ tôi, giúp tôi có việc làm. Vừa qua, các anh còn hỗ trợ tôi mua xe máy cũ để dùng. Giờ mình được giúp đỡ nhiều, phải sửa chữa để làm gương cho con tôi nữa. Nếu mình không hoàn lương bây giờ thì con tôi cũng giống như tôi, đánh mất tương lai”. Cũng như ông L, sau khi trở về địa phương, K và C được địa phương giúp đỡ, cũng đã có việc làm. K giờ đi làm cho quán ăn ở phường, còn C làm tài xế xe tải, có thu nhập hàng tháng ổn định.

Chính sự quan tâm, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể Phường 1 (TX. Vĩnh Châu) mà những người từng lầm đường lạc lối đã tìm được lối về để làm lại cuộc đời, lấy lại niềm tin vào cuộc sống, phấn đấu trở thành công dân sống có ích cho gia đình và xã hội. “Con đường hoàn lương ấy dài hay ngắn, khó khăn hay dễ không chỉ ở bản thân người lầm lỗi mà còn ở cái nhìn cảm thông, chia sẻ của cả cộng đồng, nếu cứ có cái nhìn khắt khe, nghi ngờ, kỳ thị, biết đến bao giờ người lầm lỗi mới được hoàn lương” - trung tá Trần Hoàng Thử bày tỏ quan điểm.

Ngọc Hải

 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: