• Thị xã Vĩnh Châu

Rộn ràng lễ hội cúng Phước Biển ở TX. Vĩnh Châu

05/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/03/2018 | 06:00

STO - Hàng năm, cứ đến ngày 14 và rằm tháng Khe Phol-kun (theo đại lịch Khmer), người dân xứ biển Vĩnh Châu lại nhộn nhịp với lễ hội Chrôy Rum Chêk (lễ hội cúng Phước Biển) truyền thống diễn ra trong hai ngày, hai đêm.

Lễ hội này diễn ra ở gần bãi biển, thuộc khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, do Ban Quản trị chùa Serey Kro Săng phối hợp với các ban ngành TX. Vĩnh Châu tổ chức. Đây là lễ hội dân gian mang tính truyền thống của đồng bào Khmer. Đây cũng là dịp thể hiện ý thức, tình cảm của con người hướng về cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, bày tỏ sự biết ơn biển cả đã cho người dân được bội thu, mùa màng tôm cá, làm cho cuộc sống được ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Trang trọng với nghi thức chào đạo kỳ tại khu hành lễ.

Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 28-2 và 1-3 (dương lịch), với nhiều hoạt động phong phú. Anh Tăng Mỹ - thợ điện trang trí lán trại phấn khởi cho biết: “Mấy ngày qua, dù có mệt nhưng nhóm chúng tôi cảm thấy rất vui, vì được tham gia đóng góp cho lễ hội”. Còn anh Danh Sô Phi đến từ huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đều đến lễ hội để khấn vái, cầu an, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu”.

Đến 15 giờ, chúng tôi có mặt tại chùa Serey Kro Săng cùng với các vị sư, achar và bà con phật tử để dự nghi thức rước tượng Phật Thích Ca Mô Ni về khu hành lễ. Cùng với các đoàn xe môtô, ôtô, tiếng trống của đội chhăy-dăm, đội múa khỉ vang lên trong không khí thật rộn ràng. Khi đến khu trung tâm hành lễ, các vị chư tăng cùng đông đảo bà con phật tử bắt đầu tiến hành làm nghi lễ chào đạo kỳ; sư sãi lần lượt tụng kinh theo nghi thức.

Ông Thạch Niêu - Trưởng Ban Quản trị chùa Sêrey Kro Săng cho biết: “Các nghi thức theo phật giáo lần lượt diễn ra như: cầu siêu được tổ chức bên những núi cát, nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với xóm làng. Ban đêm làm lễ tam bảo, cầu quốc thái dân an, cầu nguyện và thuyết pháp...”.

Người dân lập mộ cá voi.

Theo các tài liệu còn lưu lại, Bânh Chrôy Rum Chêk là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở TX. Vĩnh Châu và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào hệ thống lễ hội của Việt Nam. Ban đầu, lễ hội này diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ mà người có công đầu trong việc định hình lễ hội là một nhà sư Khmer tên là Ta Hu (cụ Hu). Khi đó, ông dựng một ngôi tháp trên đất giồng cát, thuộc địa điểm tổ chức lễ hội ngày nay để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái. Ông chọn ngày rằm (tháng 11 của người Khmer) để làm phước. Vì là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp cá tôm. Từ đó, lễ cúng Phước Biển được hình thành và phát triển như là một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp không chỉ của người Khmer mà cả người Kinh và người Hoa ở xứ Vĩnh Châu cũng đến tham gia lễ hội.

Nghi thức rước tượng Phật.

Theo ông Thạch Pết - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX. Vĩnh Châu, tất cả hoạt động của lễ hội đều thực hiện nghiêm túc theo tinh thần quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, lễ hội Chrôy Rum Chêk ở TX. Vĩnh Châu không ngừng được cải thiện, nâng tầm cả về nội dung lẫn hình thức.

Về phần hội được tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ và thể thao rất sôi động, với các trận đấu bóng chuyền và bi sắt hay những điệu múa nhuần nhuyễn, giọng hát ngọt ngào của thanh niên Khmer. Thông qua lễ hội đã góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer. 

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: