• Thị xã Vĩnh Châu

Thực hư chuyện "Phật nổi" hay “Bà Đen nổi” ở chùa Ta Đơk, TX. Vĩnh Châu

18/03/2018 07:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 18/03/2018 | 07:07

STO - Những ngày qua, nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh đổ xô đến chùa Ta Đơk, xã Lạc Hòa (TX. Vĩnh Châu) để xem “Phật nổi” hay “Bà Đen nổi” được làm bằng gỗ đen để khấn vái, cầu nguyện và thêu dệt những câu chuyện không tưởng đăng tải trên mạng xã hội Facebook, gây xôn xao dư luận.

Tượng Phật đen làm bằng gỗ.

Tin “Phật nổi” hay “Bà Đen nổi” nhanh chóng được lan truyền trên trang mạng xã hội Facebook và “tung tin bịa thêm” nên nhiều người hiếu kỳ từ các địa phương trong và ngoài tỉnh tìm đến chùa Ta Đơk để thắp nhang, cúng kiến.

Trước những tin đồn trên, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có mặt tại chùa Ta Đơk để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này. Theo ghi nhận, đến chiều tối vẫn có rất nhiều người đến chùa mang trái cây đến cúng và khấn vái mong Phật hay Bà Đen ban phước lành, phù hộ cho gia đình được bình an, cũng có người đến đây vì sự hiếu kỳ.

Chị Lâm Thị Sa Nê đến từ huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết: “Nghe tin tại chùa Ta Đơk có “Phật nổi” linh lắm, nên tôi cũng tò mò đến xem thế nào. Thật ra chỉ là tượng Phật đen làm bằng gỗ thôi”.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện “Phật nổi”, thượng tọa Kim Sua - Trụ trì chùa Ta Đơk khẳng định: “Không hề có chuyện Phật nổi như tin đồn, những câu chuyện “thêu dệt” trên một số trang mạng xã hội Facebook là hoàn toàn bịa đặt. Sự thật là Ban Quản trị chùa thống nhất, qua Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, nhà chùa sẽ làm lễ hạ ngôi chánh điện cũ để xây dựng lại mới khang trang hơn. Do đó, nhà chùa dọn những đồ vật, thỉnh và di dời các pho tượng phật thích ca (lớn, nhỏ) từ ngôi chánh điện cũ về ngôi am cất giữ để chuẩn bị xây dựng ngôi chánh điện mới. Vào ngày 13-3-2018, sư cùng với Ban quản trị chùa và người thợ xây đập phía sau ngai thờ Phật Tổ trong chánh điện, thì mới phát hiện ở dưới có cất giữ một tượng phật làm bằng gỗ có chiều cao khoảng 90cm. Thấy vậy, cũng thỉnh về phòng của sư để thắp nhang, xá lạy bình thường. Không ngờ người dân đến chùa xem, lấy điện thoại chụp và tung lên mạng xã hội “đồn thổi” chùa có phật nổi linh lắm. Chuyện Phật nổi hay Bà Đen nổi - sư khẳng định là tin đồn nhảm, không có thật”.

Còn theo cụ Thạch Sol - một thời từng tu hành tại chùa Ta Đơk, nay là Trưởng Ban quản trị chùa cho rằng, cũng như một số ngôi chùa Nam Tông Khmer cổ kính, tượng Phật đen làm bằng gỗ đã có từ rất lâu, nhưng trước kia do ngôi chánh điện làm bằng cây, lợp lá đơn sơ; phần thì thấy tượng Phật này giống như một “báu vật” không thể bảo quản được, nên sư Cao Sịl (đời trụ trì trước đó) mang đi cất giấu kỹ lưỡng dưới ngai của tượng Phật lớn trong ngôi chánh điện này.

Ông Kim Chanh Đa Ra - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX. Vĩnh Châu cho biết: “Mấy ngày qua, chuyện người dân đến xem, cúng bái là có thật. Nhưng việc đồn đại là ở chùa Ta Đơk có “Phật nổi” là không đúng sự thật. Chúng tôi đã phối hợp với các đoàn thể của thị xã đến chùa tìm hiểu và tuyên truyền bà con đây là những tin đồn sai sự thật, không nên “đồn thổi” thêm, làm ảnh hưởng an ninh, trật tự của địa phương”.

T.R

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: