• Thông tin đối ngoại

Ngôi nhà chung ASEAN

ASEAN - chặng đường hơn nửa thế kỷ thành lập và những thách thức trong tương lai

07/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Việt Thùy
  • Thứ Bảy, 07/11/2020 | 06:00

STO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967. Trong suốt 53 năm hoạt động, ASEAN đã gặt hái được những thành quả nhất định song vẫn tiếp tục đương đầu với những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

Mục đích thành lập của ASEAN là nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, hòa bình và ổn định khu vực, tích cực hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong những vấn đề chung của các quốc gia thành viên. Cùng với đó, ASEAN còn tìm kiếm và tạo lập quan hệ hợp tác cùng có lợi với những thể chế khu vực và quốc tế có chung mục tiêu. Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, được hoan nghênh với vai trò đặc biệt trong thúc đẩy và củng cố nền hòa bình khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, để có thể duy trì vai trò quan trọng trên trường khu vực và quốc tế.

Đầu tiên là những thách thức nội khối. Đó là thách thức về mặt thể chế: Sự thiếu vắng một “người đầu tàu” để vận hành, định hướng cho khối. Bên cạnh đó là việc hiện nay, ASEAN chưa có một thể chế đủ mạnh để đảm bảo cho sự thành công trong việc đưa ra và thực thi những quyết định chung. Thách thức tiếp theo là sự khác biệt về lợi ích và ưu tiên. Mỗi quốc gia đều đối mặt với những khó khăn kinh tế, chính trị, xã hội riêng. Do đó, mỗi thành viên đều dành phần lớn sự tập trung để giải quyết những vấn đề trong nước hơn là vấn đề chung của khối. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ASEAN. Thêm vào đó, nội khối ASEAN còn tồn tại những thách thức về sự thay đổi dân số, chênh lệch phát triển về kinh tế - xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề sông Mekong; các mối đe dọa an ninh truyền thống như tranh chấp biên giới, xung đột sắc tộc và an ninh phi truyền thống. Như hiện nay, đại dịch Covid-19 đang khiến cho công việc của ASEAN trở nên khó khăn hơn. Đại dịch gây tổn thất nặng nề đến kinh tế khối và sẽ làm gián đoạn lâu dài các hoạt động, mục tiêu tương lai của ASEAN, đặc biệt là mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025.

Hiện nay, ASEAN đang phải đối phó với những thách thức từ bên ngoài ngày càng gia tăng. ASEAN nói riêng và châu Á nói chung được xem là “mặt trận” chính của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. ASEAN phải đối mặt với việc cân bằng quan hệ, không quá nghiêng về bên nào trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa 2 cường quốc, dẫn tới ASEAN không thể hướng tới một lập trường chung, thống nhất giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cũng đang đối mặt trước những đòi hỏi chủ quyền và hành động ngày càng kiên quyết của Trung Quốc trên biển Đông. Quá trình xúc tiến đàm phán để ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang bị gián đoạn bởi nhiều ràng buộc và sức ép từ các bên. Những thách thức này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới.

VIỆT THÙY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: