• Thương mại - Dịch vụ

GÓC NHÌN KINH TẾ

Chuyện bên lề một hội thi

06/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 06/11/2017 | 06:00

STO - Hội thi gạo ngon – lúa thơm năm 2017 một lần nữa chứng kiến sự lên ngôi của những giống gạo thơm được lai tạo, sản xuất bởi những nhà khoa học tâm huyết trong tỉnh. Điều đó cũng không mấy bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi bằng những câu chuyện ở bên lề hội thi.

Trước ngày thi, tôi may mắn được tiếp xúc với 4 “nữ tướng” chuyên đầu tư sản xuất, kinh doanh các giống gạo thơm đến từ tỉnh Tiền Giang. Sự có mặt của 4 “nữ tướng” này không chỉ tạo nên một nét mới cho hội thi bằng việc 2 trong số họ nằm trong ban giám khảo, mà còn ở tâm huyết và cách làm hay của họ trong việc đưa gạo thơm Sóc Trăng (ST) đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cả 4 vị “nữ tướng” trên đều cho biết, chỉ mới biết và tham gia vào sản xuất, kinh doanh gạo thơm ST khoảng 5 năm trở lại đây. Mỗi người một công đoạn và họ tự tìm đến nhau để hình thành nên chuỗi giá trị gạo thơm Sóc Trăng khá hoàn hảo. Bởi vậy, dù thời gian thực hiện không lâu, nhưng số lượng gạo thơm tiêu thụ qua mỗi vụ, mỗi năm từ chuỗi liên kết của họ là không hề nhỏ.

Chị Đang, người chuyên kinh doanh gạo thơm Sóc Trăng chia sẻ rất thật lòng: “Nói thật chứ từ lúc biết được giống lúa thơm ST của anh Cua (kỹ sư Hồ Quang Cua – người viết) tôi rất mừng vì không chỉ mình có thêm một giống gạo ngon để kinh doanh, mà nông dân trồng lúa cũng có được thu nhập cao hơn, nhờ vừa đạt năng suất vừa bán được với giá cao. Không những vậy, tôi cũng có chút tự hào với khách hàng của mình vì đây là giống gạo thơm ngon duy nhất do chính người Việt Nam mình sản xuất ra”.

Ban giám khảo và khách tham quan hội thi đặc biệt thích thú khi được nghe thuyết trình và thử chất lượng gạo thơm các giống ST.

Khi tôi đề nghị chị so sánh giữa gạo thơm ST với một số giống gạo thơm khác hiện có trên thị trường, chị không ngần ngại cho biết: “Ngoại trừ giống gạo thơm của Campuchia nhờ sản xuất không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật hóa học ra, hiện chỉ có gạo thơm ST là có chất lượng ngon nhất”. Chị tiếp tục khẳng định: “Tuy không tham gia ban giám khảo, nhưng sau khi xem và thử các giống gạo dự thi khác, tôi khẳng định, các giống gạo thơm ST sẽ đạt giải cao nhất”.

Dự đoán của chị là hoàn toàn chính xác, khi gần 2 giờ sau đó, Ban giám khảo chính thức công bố giống ST24ST26 đạt giải nhất và giải nhì hội thi. Đến lúc này, chị mới bật mí: “Với kinh nghiệm làm gạo thơm lâu năm, chỉ cần nhìn ngoại hình hột gạo và thử cơm là tôi biết ngay loại nào ngon nhất. Với tôi, bất kỳ loại gạo thơm nào cũng vậy, phải nấu lên thử cơm mới có thể đánh giá chính xác được”. Còn chị Ba – người lớn tuổi nhất trong nhóm tiết lộ thêm: “Tôi chuyên đi đầu tư cho nông dân trồng giống lúa thơm ST, nhưng qua đánh giá, giống ST chỉ cho chất lượng ngon nhất khi được trồng ở Sóc Trăng mà thôi”.

Nhắc đến chuyện đầu tư trồng lúa thơm tôi mới nhớ, đêm trước, 4 chị cho biết, giống lúa thơm ST được các chị đầu tư sản xuất tại rất nhiều tỉnh, như: Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… mỗi nơi lên đến vài ngàn héc-ta mỗi vụ chứ đâu có ít. Thì ra, đây chính là những “nhà đầu tư không tên” mà kỹ sư Hồ Quang Cua từng nhắc đến với tôi trong những lần trò chuyện ở vườn me của ông.

Cả 4 chị đều cho biết, gạo thơm ST chưa bao giờ bị ế, bởi ngoài chuyện xuất khẩu, thị trường nội địa cũng rất lớn. Chị Loan – một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Tôi sang Trung Quốc thấy gạo RVT hay một số giống thơm nhẹ khác của mình chỉ được bán ở phân khúc giá trung bình bên đó, còn giống gạo thơm ST20 của anh Cua phải vô siêu thị cao cấp thì mới có và được bán với giá rất cao”. Chị Đang cho biết thêm: “Bây giờ có xuất được hay không cũng không quan trọng vì thị trường nội địa mình cũng đang ăn hàng rất mạnh”.

Câu chuyện gạo thơm ST cứ thế trải dài theo từng lời kể, từng nhận định của các chị, càng nghe càng thấy thích, càng thêm tin tưởng vào tương lai của dòng gạo ST, nhưng cũng thoáng chút buồn khi nghe chị Loan tâm sự: “Chất lượng gạo thơm ST của mình thì không chê vào đâu được rồi, nhưng cái khó đối với những người đi đầu tư vùng nguyên liệu như chúng tôi là không quản lý được việc sử dụng phân, thuốc của nông dân, nên nhiều khi cũng bị “dính” phải lô hàng lúa thì rất đẹp, nhưng sấy hoài vẫn không khô. Chưa hết, mỗi khi giá lúa thị trường tăng lên, rất khó mua đủ số lượng đã đầu tư”.

Tôi không muốn bình luận thêm nhiều mà chỉ tiếc một điều, giá như 4 “nhà đầu tư không tên” này có được một cái tên đúng nghĩa của nhà đầu tư, chắc chắn họ sẽ ít bị những rủi ro như chị Loan vừa nêu. Và khi đó, nguồn tài nguyên bản địa Sóc Trăng này (giống ST) sẽ có thêm cơ hội phát triển hơn nữa, vươn xa hơn nữa và biết đâu đến một ngày nào đó, nó được gắn thêm một tên gọi mới: “Thương hiệu gạo quốc gia”.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: