• Thương mại - Dịch vụ

Đừng quên những "mỏ vàng"

28/01/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/01/2018 | 06:00

STO - Có những mặt hàng nông sản được người trong nước xem rất đỗi bình thường, thậm chí ít khi quan tâm, nhưng trong mắt các nhà kinh doanh lão luyện, đó lại là những “mỏ vàng” rất cần được khai thác.

Sen gương ...

Vừa rồi, có anh bạn quê Sóc Trăng ở nước ngoài về chơi, khi nghe nói về chuyện xuất khẩu nông sản năm nay đạt mức kỷ lục, anh chỉ cười rồi nói: “Có nhiều mặt hàng nông sản mà công ty tôi làm ăn với Việt Nam còn hấp dẫn hơn nhiều, nhưng nói ra chắc cũng ít có người tin lắm, vì những thứ này ở Việt Nam được người ta xem rất bình thường, chẳng có giá trị gì cả”.

Câu nói của anh làm tôi cứ nghĩ mãi, nhưng vẫn không sao biết được đó là loại nông sản nào. Thấy tôi có vẻ căng thẳng, anh lại cười rồi nói tiếp: “Nhiều thứ lắm. Nói chung là thứ nào đảm bảo yêu cầu về chất lượng và số lượng là chúng tôi đều có thể mua về bán lại. Ví dụ như: rau nhút, đọt lang, lá khoai mì, dưa bồn bồn, ớt, hạt sen, bún khô, phở khô, chuối chiên, lá chuối…”. Ớt, hạt sen, bún khô, phở khô xuất khẩu thì tôi có biết, nhưng còn rau nhúc, đọt lang hay chuối chiên thì… giờ mới được nghe.

... và ớt cũng có thị trường xuất khẩu tốt và khá ổn định.

Đúng là mới nghe qua rất khó tin, nhưng chợt nhớ đến câu nói: “Không có loại nông sản nào của mình mà không thể xuất khẩu được hết, vấn đề là mình có chịu khó tìm hiểu hết mọi ngóc ngách của thị trường hay không mà thôi” của anh Trịnh Đức Vinh – Giám đốc DNTN Đức Vinh (TX. Vĩnh Châu) trước đây, tôi mới thật sự vững tin và càng nghe càng thấy thích thú. Anh cũng cho biết, tới đây sẽ còn làm thêm nhiều thứ nữa, nhưng vì bí mật kinh doanh, nên yêu cầu tôi không được đưa vào bài viết, kể cả quốc gia nơi anh đang định cư.

Thích thì thích thiệt, nhưng tôi vẫn có không ít thắc mắc việc bạn tìm nguồn nguyên liệu ở đâu, tiêu chuẩn như thế nào và xuất qua bển (nước ngoài) bán cho ai…? Theo anh thì việc tìm vùng nguyên liệu không khó, kể cả việc cập nhật sản lượng, giá nguyên liệu mỗi ngày ở Việt Nam thông qua mạng xã hội facebook. Anh kể, có lần một nhân viên thị trường của công ty ở Việt Nam báo cáo lượng ớt ở Việt Nam còn không nhiều, nhưng khi vào facebook, anh thấy nông dân trồng ớt ở Đồng Tháp đang phải khổ sở tìm nơi bán ớt không ra dù giá rớt chỉ còn 5.000 – 6.000 đồng/kg, trong khi giá ớt nơi anh định cư tính ra tiền Việt Nam lên đến hơn 50.000 đồng/kg.

Loại rau dân dã như rau nhút nay cũng được xuất khẩu sang một số thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề theo anh, để đưa được những sản phẩm “hiếm” này ra nước ngoài, việc đóng gói bao bì, kỹ thuật bảo quản mới là quan trọng, còn về chất lượng, theo anh không cần sản phẩm phải đạt chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP gì hết, mà chỉ cần không dư lượng các hóa chất cấm là được. Xung quanh câu chuyện rau nhút, anh kể vui: “Nông dân mình thu hoạch rau nhút thường mỗi đoạn dài 3 - 4 tấc, nhưng phần ăn được thật ra chỉ khoảng 1,5 - 2 tấc, nên trong những lần đầu nhập hàng, công ty cũng bị khách hàng phàn nàn. Vậy là phải thay đổi quy cách thu mua mới bán được hàng”.

Câu chuyện đọt lang, rau nhút hay chuối chiên xuất ngoại giá cao với tôi thật sự rất đáng suy nghĩ, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc bán cho ai và bán ở đâu? Thật ra, tất cả được tiêu thụ tại không ít quốc gia, chứ không riêng gì quốc gia nơi anh định cư, còn người mua cũng không chỉ có người Việt Nam, mà còn có cả người nước ngoài nữa, mà những thứ trên theo anh rất khó tìm mua nơi những siêu thị lớn, chỉ có thể tìm thấy ở những cửa hàng tiện lợi quy mô vừa và nhỏ.

Không biết tới đây anh sẽ còn đưa thêm bao nhiêu loại nông sản Việt Nam đi xuất ngoại, nhưng câu chuyện của anh cũng gợi mở rất nhiều điều về sản xuất lẫn tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Đó là sản phẩm phải sạch, đủ lớn; là kỹ thuật, công nghệ đóng gói bao bì, bảo quản sau thu hoạch và quan trọng hơn là đừng bao giờ quên những ngóc ngách của thị trường, bởi ở nơi đó, dù sức tiêu thụ không lớn, nhưng nếu biết liên kết để khai thác tối đa sức tiêu thụ vẫn là mảnh đất sống tốt cho doanh nghiệp Việt.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: