• Thương mại - Dịch vụ

Để phát huy hiệu quả thương mại từ chợ nông thôn

Kỳ 1: Thực trạng thương mại ở các chợ truyền thống

22/08/2017 08:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 22/08/2017 | 08:11

Thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân và góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số chợ dù được đầu tư khá kiên cố nhưng vẫn không phát huy được vai trò, thậm chí còn bỏ không, gây lãng phí…

Mặc dù đã hơn 3 giờ chiều, nhưng chợ cá Mỹ Hương ở xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) vẫn còn vài tiểu thương và những bà nội trợ đang mặc cả giá cho số cá tươi được bày bán. Chị Nguyễn Thị Nhiên, tiểu thương bán cá tại chợ này cho biết: “Bà con tới đây mua cá đông nhất vào buổi sáng. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay, chợ cá được sửa chữa, nâng cấp nền và có mái che đàng hoàng. Chị em buôn bán ở đây không còn chịu mưa nắng như trước nên một số chị em bán buổi sáng cũng đã chuyển sang bán cả ngày để có thêm thu nhập”.

Chợ cá ở xã Mỹ Hương được nâng cấp thuận tiện cho tiểu thương buôn bán.

Là một trong những khu chợ gần đây được ngành chức năng huyện Mỹ Tú nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tiểu thương buôn bán. Chợ cá ở xã Mỹ Hương đã thúc đẩy hoạt động mua bán tại khu vực chợ ngày càng phát triển. Theo đồng chí Phùng Minh Sang - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mỹ Tú, bằng nguồn kinh phí cho thuê lô, địa phương đã nâng cấp, mở rộng chợ cá Mỹ Hương với kinh phí trên 300 triệu đồng và lợp mái tôl chợ Mỹ Phước kinh phí 80 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu mua bán của 2 chợ này.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Tú có 7 chợ nông thôn và 2 trung tâm thương mại. Thời gian qua, việc đầu tư phát triển chợ trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân. Việc đầu tư phát triển chợ trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các chợ trên địa bàn huyện đã được đầu tư khá lâu, qua quá trình khai thác và sử dụng đã có một số chợ xuống cấp, điển hình như chợ Mỹ Hương và chợ Mỹ Phước. Do đó, địa phương đang lập hồ sơ nâng cấp, sửa chữa gửi về Sở Công thương xem xét. Lãnh đạo huyện cũng thống nhất đầu tư xây dựng mới chợ bán đồ tươi sống tại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa với tổng mức đầu tư 4,2 tỉ đồng. Việc đầu tư này nhằm tạo điều kiện cho người dân mua bán, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa.

So với các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, hoạt động thương mại - dịch vụ ở khu vực chợ trên địa bàn TP. Sóc Trăng được xem là phát triển mạnh nhất. Hiện nay, TP. Sóc Trăng có 13 chợ hoạt động ban ngày và 2 chợ đêm nằm rải rác ở các phường, trong đó có 1 chợ hạng I, 1 chợ hạng II và 11 chợ hạng III, thu hút gần 3.500 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Theo đó, chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng tập trung khoảng 850 hộ kinh doanh cố định, hàng nông sản là mặt hàng chiếm ưu thế lớn nhất, thu hút lượng lớn lao động thường xuyên và không thường xuyên. Trong những năm qua, tình hình kinh doanh tại các chợ đã góp phần tăng thu ngân sách thành phố, khối lượng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm tỷ trọng khoảng 35% - 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không thể phủ nhận hiệu quả của chợ từ khu vực nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, không phải chợ nào khi được đầu tư xây dựng cũng phát huy vai trò thương mại. Tại huyện Mỹ Tú, chợ Thuận Hưng của xã Thuận Hưng và chợ Mỹ Thuận của xã Mỹ Thuận đến nay không có hộ tiểu thương nào đăng ký vào kinh doanh buôn bán mặc dù địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, thậm chí địa phương cũng miễn thuế cho tiểu thương nếu vào buôn bán nhưng tình hình vẫn không khả thi. Do đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã tham mưu, đề xuất UBND huyện chuyển đổi công năng 2 chợ này. TP. Sóc Trăng cũng không ngoại lệ, mặc dù một số chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố nhưng do việc bố trí xây dựng không thuận tiện nên không phát huy hiệu quả, như: chợ Nhâm Lăng, Phường 5 được xây dựng từ năm 2004 nhưng đến nay không còn hoạt động mua bán; chợ Sung Đinh xây dựng kiên cố từ năm 2005 nhưng chỉ hoạt động cầm chừng vì người bán, người mua đều ít; chợ Phường 8 xây dựng từ năm 2011 nhưng dân cư thưa thớt, không có người mua…

Thực tế cho thấy, tình trạng chợ không phát huy hiệu quả cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 134 chợ, trong đó có 17 chợ hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí chợ không thuận tiện phục vụ cho hoạt động mua bán. Ngoài ra, các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát… ở nhiều nơi cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các chợ được đầu tư xây dựng. Ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống bởi sự tiện lợi, nhanh chóng của nó mang lại. Việc quan tâm phát triển chợ là điều cần thiết nhưng để không lãng phí tài sản của Nhà nước thì giải pháp nào dành cho các chợ không phát huy hiệu quả còn là bài toán đang cần giải đáp từ các địa phương và các ngành chức năng.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: