• Thương mại - Dịch vụ

Liên kết và phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long

05/09/2019 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/09/2019 | 06:02

STO - Ngày 4-9, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Xúc tiến, mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đại diện lãnh và sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp đến dự.

Theo đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, liên kết và phát triển du lịch là quy luật tất yếu trong kinh tế thị trường, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không ranh giới địa lý. Do vậy, tính liên kết trong phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lợi thế liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau, sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện), du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi đó, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước và biển đảo. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến mà còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường.

Các đại biểu tìm hiểu các dự án đang kêu gọi đầu tư của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Thiện Hải

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã giới thiệu đến các nhà đầu tư về những tiềm năng thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch và giải trí của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tổng cộng có 179 dự án được mời gọi đầu tư tại hội nghị, trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 51 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh có 36 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL với 7 địa phương gồm: TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có 92 dự án.

Hội nghị trên nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 1 năm 2019. Qua đó, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương trong liên kết vùng; triển khai hiệu quả các nội dung liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bên lề hội nghị, tỉnh Sóc Trăng cũng tham gia giới thiệu các dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

* Chiều cùng ngày (4-9), tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Kết nối phát triển sản phẩm du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Đại diện sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và một số doanh nghiệp đến tham dự.


Hội thảo dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc liên kết phát triển du lịch. Ảnh: Thiện Hải

ĐBSCL được các chuyên gia về du lịch nhận định có lợi thế, tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch - văn hóa với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng và nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo, lễ hội của cộng đồng các dân tộc là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.

Tuy nhiên, những lợi thế, tiềm năng du lịch đó chưa phát huy hết hiệu quả và chưa bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Hiện nay, lượng khách quốc tế đến ĐBSCL còn thấp so với các địa phương khác, tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn khách nội địa. Do đó, cần có những định hướng, giải pháp kết nối về các nguồn lực sản phẩm để cho từng tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL phát huy và khai thác hết các tiềm năng, tài nguyên du lịch.

Tại hội thảo, những khó khăn và thách thức về phát triển du lịch đã được các đại biểu đặt ra và đề xuất hướng giải quyết như: giao thông, quy hoạch tuyến kết nối sản phẩm; liên kết tiếp thị truyền thông; giữ gìn và phát triển môi trường du lịch…

Một số ý kiến cho rằng cần thiết phải bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch cũng như các điểm công cộng, vì môi trường ô nhiễm là vấn đề đáng lo ngại được nhiều du khách quốc tế quan tâm. Ngoài ra, vùng ĐBSCL gắn với môi trường sông nước nên việc phát triển du lịch cần theo đặc thù từng địa phương, mỗi địa phương nên có định hướng phát triển khác nhau... để tạo ra sản phẩm đặc thù, làm hài lòng du khách và góp phần giúp ngành du lịch ngày càng phát triển.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: