• Thương mại - Dịch vụ

Thực trạng và một số giải pháp nâng cao chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”

08/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 08/11/2020 | 06:00

STO - Qua kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, tỉnh Sóc Trăng đạt 63,7 điểm, xếp hạng thứ 53/63 tỉnh, thành, tăng 1,88 điểm, nhưng lại giảm 8 bậc so với năm 2018. Để hiểu rõ hơn về thực trạng chỉ số thành phần về “Dịch vụ (DV) hỗ trợ doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, chỉ số thành phần “DV hỗ trợ doanh nghiệp” được tính toán dựa trên cơ sở nào?

Đồng chí Lê Thành Thanh: Chỉ số thành phần “DV hỗ trợ doanh nghiệp” được tính toán dựa trên kết quả tổng hợp của 24 chỉ số cơ sở. Nội dung khảo sát đánh giá của 24 chỉ số cơ sở được phân thành các nhóm, gồm: chỉ số về số hội chợ được tổ chức; chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp DV trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh; chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp DV và 21 chỉ số còn lại là 3 nội dung khảo sát giống nhau, lần lượt cho 7 loại DV gồm: DV tìm kiếm thông tin; DV tư vấn pháp luật; DV tìm kiếm đối tác; DV xúc tiến thương mại; DV có liên quan đến công nghệ; DV đào tạo kế toán tài chính và DV đào tạo quản trị kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp chúng ta đã từng sử dụng 1 trong 7 loại DV đó chưa? Doanh nghiệp đã từng sử dụng 1 trong 7 DV trên do doanh nghiệp tư nhân cung cấp chưa? Doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng 1 trong 7 DV đó không?

Phóng viên: Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Việt Nam) thì Chỉ số DV hỗ trợ doanh nghiệp của Sóc Trăng đạt kết quả như thế nào?

Đồng chí Lê Thành Thanh: Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2019 của VCCI Việt Nam, Chỉ số DV hỗ trợ doanh nghiệp của Sóc Trăng đạt 5,42 điểm (trung vị là 6,17), xếp thứ 59/63 tỉnh, thành, tăng 0,42 điểm và cải thiện được 3 bậc so với năm 2018. Phân tích kết quả khảo sát cụ thể của 24 chỉ số cơ sở, tôi cho rằng, chỉ số thành phần DV hỗ trợ doanh nghiệp thấp điểm chủ yếu do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất là Sóc Trăng có rất ít doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các DV cho doanh nghiệp (Sóc Trăng chỉ có tỷ lệ 6% doanh nghiệp cung cấp DV tư nhân và FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp DV; tỷ lệ trung bình cả nước là 71%; thấp nhất cả nước). Có thể đây là lĩnh vực mà những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chưa có thương hiệu khó cạnh tranh với các doanh nghiệp đã có thương hiệu về chất lượng DV, do đó khối doanh nghiệp ở lĩnh vực này khó phát triển. Thứ 2 là phần lớn doanh nghiệp còn có thói quen tự thực hiện các hoạt động có liên quan đến 7 loại DV kể trên, chưa quen nhiều việc sử dụng doanh nghiệp cung cấp DV này để thực hiện, do đó điểm số Sóc Trăng rất thấp trong 7 loại dịch vụ này. Thứ 3 là trong trường hợp doanh nghiệp có sử dụng 1 doanh nghiệp cung cấp DV thì tỷ lệ sử dụng doanh nghiệp tư nhân để cung cấp DV thực hiện các hoạt động này cũng có tỷ lệ cao, thấp tùy loại hình DV. Thứ 4 là chất lượng DV từ phía doanh nghiệp cung cấp DV có thể chưa làm hài lòng doanh nghiệp mua DV, vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định sử dụng DV không nhiều. Riêng chỉ tiêu về số lượng tổ chức hội chợ thương mại tăng so với năm trước (năm 2018 là 10 hội chợ, năm 2019 là 20 hội chợ, do Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2652/QĐ-UBND, ngày 10-10-2018  phê duyệt Danh mục địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tỉnh Sóc Trăng năm 2019 để làm cơ sở tổ chức các hội chợ), đồng hạng nhất với một số tỉnh, thành khác; chỉ tiêu về tỷ lệ doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng DV tư vấn pháp luật đạt hạng 2 của cả nước.

Phóng viên: Từ kết quả phân tích vừa nêu thì muốn cải thiện chỉ số thành phần DV hỗ trợ doanh nghiệp, Sóc Trăng cần phải chú trọng giải quyết vấn đề gì?

Đồng chí Lê Thành Thanh: Qua bảng xếp hạng thì có tỉnh đạt cao, tỉnh đạt thấp, trong đó Sóc Trăng đạt thứ hạng thấp, chiếm đến 40% trọng số của cả 10 chỉ số (chỉ số DV hỗ trợ doanh nghiệp chiếm 20% trọng số, chỉ số đào tạo lao động chiếm 20%). Như phân tích trên có nghĩa là Sóc Trăng cần phải xác định rõ rằng, các cấp, các ngành có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số DV hỗ trợ doanh nghiệp và Chỉ số đào tạo lao động, qua đó góp phần quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua kết quả Chỉ số PCI năm 2020 và những năm tiếp theo.

Riêng về Chỉ số DV hỗ trợ doanh nghiệp, từ kết quả phân tích vừa nêu, Sở Công thương thấy rằng, muốn cải thiện chỉ số thành phần DV hỗ trợ doanh nghiệp, Sóc Trăng cần phải chú trọng giải quyết: một là phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp 7 loại DV như đã nêu trên, trong đó chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân; hai là tăng cường thông tin, giới thiệu về khối doanh nghiệp cung cấp DV đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh để kích thích nhu cầu sử dụng DV của các doanh nghiệp; ba là tạo hành lang thuận lợi để các doanh nghiệp cung cấp DV nâng cao chất lượng DV; bốn là tiếp tục chủ động việc tổ chức các hội chợ trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Để làm được điều này, Sở Công thương sẽ đề xuất giải pháp thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thành Thanh: Để làm được điều này, Sở Công thương đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau: một là, rà soát danh mục doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp DV cho doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển; hai là khảo sát nhu cầu hỗ trợ sử dụng DV hỗ trợ doanh nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó làm cơ sở để tổ chức các hoạt động giới thiệu, thông tin và kết nối giữa nhà cung cấp DV về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tư vấn pháp lý, đào tạo… với các doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp DV; ba là nâng số lượng và chất lượng tổ chức các hội chợ trên địa bàn tỉnh; bốn là triển khai thực hiện tốt các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 18-3-2019 của UBND tỉnh về thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 9-3-2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; năm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó chú trọng kích cầu đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp (nhất là khởi nghiệp ở các lĩnh vực cung cấp DV) và cuối cùng là thực hiện tốt Kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 10-12-2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, ngày 10-7-2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: