• Thương mại - Dịch vụ

Thưởng thức chả lụa sạch Hào Kiệt

21/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/01/2019 | 06:00

STO - Thực phẩm bẩn là một trong những nỗi lo lớn của các cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Việc người sản xuất sử dụng các chất phụ gia, phụ phẩm bị cấm sử dụng trong danh mục dùng trong thực phẩm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số cơ sở cố tình sử dụng bởi vì lợi nhuận, làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Và mặt hàng chả lụa khiến nhiều người khá ngán ngại bởi có thông tin đa chiều phải dùng một số loại phụ phẩm để tạo nên cây chả ngon và chất thường dùng là hàn the, đây là hoạt chất gây nguy hiểm đến sức khỏe mọi người, dù dùng liều lượng nhỏ sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra các chứng bệnh.

Hiểu được nỗi lo của khách hàng và đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng nên chị Nguyễn Thị Cho (chị Út) - Cơ sở sản xuất chả lụa Hào Kiệt, Khóm 2, Phường 6 (TP. Sóc Trăng) đã duy trì sản xuất chả lụa sạch hơn 30 năm qua. Chính vì vậy, sản phẩm của chị được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tin dùng. Cơ sở sản xuất chả lụa của chị Út tại chợ Bông Sen, Phường 6 (TP. Sóc Trăng), đây cũng là nơi trưng bày và bán chả lụa. Chị Út bộc bạch: “Chị mới đi bỏ mối chả lụa, tranh thủ chạy nhanh về nhà để kịp giờ giao mối hàng cho khách ở huyện lên nhận, công việc khá bề bộn bởi có một mình, vừa trực tiếp sản xuất chả vừa tự đi giao hàng cho khách”.

Chị Út lấy từng loại chả thịt, chả gân mời chúng tôi dùng thử. Chả do chị Út sản xuất mùi vị khác biệt với những loại chả lụa tôi đã từng ăn, có mùi thơm dịu, vị béo vừa phải, rất vừa miệng. Chị Út tâm tình: “Đã gắn bó với nghề làm chả lụa lâu đời, vì là nghề truyền thống gia đình nên tôi luôn giữ chữ tín để nghề còn phát triển hơn nữa cho thế hệ con cháu về sau. Do vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã có rất nhiều đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đến lấy mẫu xét nghiệm. Chả lụa của tôi chưa hề sử dụng bất kỳ loại phụ gia, phụ phẩm nào, ngoài thịt và các gia vị thường dùng hàng ngày tại gia đình như: muối, bột ngọt, hạt tiêu và bí quyết làm nên cây chả ngon bằng “cái tâm” với nghề”.

Sản phẩm chả lụa sạch được bảo quản cẩn thận trong tủ mát. 

Chị Út hồi tưởng, ở lứa tuổi cập kê hơn 30 năm trước, trong khi các bạn gái cùng lứa học may, học làm tóc thì chị quyết định “kế nghiệp” ba, má làm nghề chả lụa. Bởi mỗi sáng thức dậy nghe mùi thơm thoang thoảng của cây chả vừa hấp chín, thấy cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và những lần khách ghé tận nhà mua hàng khen chả ngon, làm động lực để chị quyết tâm theo nghề. “Ngày đầu, theo ba vào khu vực sản xuất xem thợ chọn thịt (nguyên liệu chính làm chả - PV) đã bị một người thợ lành nghề phán một câu làm tôi khắc cốt ghi tâm “Mặt mày nhìn thịt 3 năm chưa chọn được loại thịt làm chả”. Vì câu nói đó mà tôi quyết tâm phải học cho bằng được nghề và sẽ là thợ giỏi. Sau cuộc trò chuyện cùng người thợ chính của gia đình, chính ba tôi đã truyền dạy cho tôi bí quyết để chọn loại thịt ngon làm chả là việc chọn thịt không chỉ nhìn bằng mắt mà phải dùng tay cảm nhận độ tươi mới, sự đàn hồi của miếng thịt. Học được kinh nghiệm của ba, chỉ 2 tháng sau đó tôi đã thuần thục khâu chọn thịt, đứng cối xay thịt tạo thành phẩm chả. Để chả có vị đồng đều, tôi nghĩ cách làm khác ba tôi một chút là thay vì nêm nếm gia vị theo cảm tính thói quen thì tôi cân gia vị cho vào thịt trong quá trình xay chả” - chị Út cho biết thêm.

Hiện tại, mỗi ngày cơ sở chả lụa của chị Út sản xuất 80kg chả thành phẩm. Chị bắt đầu công việc lúc 4 giờ sáng, tự tay nhận thịt từ lò và chọn ra loại thịt ngon nhất, rửa sạch để ráo nước đưa vào máy cắt thịt. Qua công đoạn đó, chị phải trực tiếp đứng cối xay thịt tạo thành cây chả vì đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ, không chỉ để cối tự hoạt động đôi khi cũng cần phải dùng tới sức người đảo trộn thịt trong quá trình xay và đây cũng là lúc cho gia vị vào mẻ thịt tạo ra thành phẩm với liều lượng đã cân sẵn. Thường một mẻ chả khoảng 10kg thịt, thời gian làm thành thành phẩm chả tầm gần 2 giờ. Chả thịt khi hấp chín, phải làm nguội, rửa vài lần trong nước sạch và bảo quản trong tủ mát liên tục. Do chả không dùng chất bảo quản nên thời gian dùng khoảng 4 ngày. Ngoài chả thịt chị còn làm chả gân, làm chả gân cực hơn chả thịt vì phải qua nhiều công đoạn sơ chế tai heo, nhưng chả gân khách hàng ưa chuộng nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. 

Dù là sản phẩm sạch nhưng chị Út bán với giá “khá mềm”, chả thịt, chả gân có giá 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Dự định của chị Út là muốn kết nối sản phẩm chả lụa do chị sản xuất với các kênh phân phối sản phẩm sạch nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng nhiều hơn nữa. Sản phẩm chả lụa của chị được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đã có nhãn hiệu riêng.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: