• Thương mại - Dịch vụ

Vì sao có sự chênh lệch giá lớn từ đồng ruộng đến người tiêu dùng?

11/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/03/2018 | 06:00

STO - Khi đặt ra câu hỏi trên có thể không ít người cho rằng: Hỏi vậy cũng bằng thừa, vì chuyện này ai cũng biết là do tác động từ các khâu trung gian. Câu trả lời trên là không sai, nhưng chưa hoàn toàn đúng, bởi vẫn còn có những lý do khác buộc các khâu trung gian phải nâng giá bán cho người tiêu dùng lên cao hơn nhiều lần so với giá mua từ nông dân để đảm bảo an toàn lợi nhuận.

Rau củ quả là những mặt hàng có tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn nhất.

Ai cũng biết, nền nông nghiệp của nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, cùng với đó là mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, nên thu gom, vận chuyển phải qua nhiều cấp, làm tăng chi phí, buộc các cấp trung gian phải đẩy giá bán lên mới đảm bảo lợi nhuận. Không nói đâu xa, ngay tại vùng lúa xã Viên Bình (Trần Đề), trong vụ Đông – Xuân do hệ thống cống ngăn mặn đóng lại, nên nông dân phải qua vài khâu vận chuyển mới đến được nơi cân lúa cho thương lái hay doanh nghiệp. Tương tự như thế, một số khu vực nuôi tôm hay vùng trồng mía thuộc vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển cũng ăn vào một phần lợi nhuận của nhà nông.

Những khoản chi phí tác động làm tăng giá bán nông sản đến người tiêu dùng trên chỉ thuộc dạng “bề nổi” mà ai cũng thấy, cũng hiểu, nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì vẫn chưa đến mức tạo nên sự chênh lệch lớn về giá các mặt hàng nông sản từ đồng ruộng đến người tiêu dùng. Vậy, còn có yếu tố quan trọng nào khác hợp cùng các chi phí trên tạo nên sự chênh lệch lớn về giá các mặt hàng nông sản? Câu trả lời là có một phần không nhỏ đến từ hao hụt sau thu hoạch.

Thói quen tiêu dùng thịt nóng cũng góp phần gia tăng tỷ lệ hao hụt đối với các sản phẩm thịt.

Người tiêu dùng Việt Nam lâu nay vẫn giữ thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống, nên từ người sản xuất cho đến người kinh doanh và cả người tiêu dùng hầu như không mấy quan tâm đến việc bảo quản lạnh cho các mặt hàng nông, thủy sản cũng như các sản phẩm từ các mặt hàng này. Chính việc thiếu quan tâm đến bảo quản lạnh sau thu hoạch (vận chuyển đến kinh doanh) đã làm thất thoát, lãng phí một tỷ lệ khá lớn hàng nông sản, trong đó, mặt hàng rau củ quả chiếm tỷ lệ hao hụt lớn nhất.

Không người tiêu dùng Việt Nam nào lại không biết đến từ “rau rác”, bởi buổi sáng còn là rau, nhưng đến chiều đã trở thành rác, mà nguyên nhân là do tốc độ hư hỏng nhanh chóng của nó, vì không được bảo quản đúng cách. Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch đối với mặt hàng rau, củ quả ở Việt Nam lên đến 26%, cao hơn 11% so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ cần cộng thêm tỷ lệ hao hụt này vào các khoản chi phí khác nữa sẽ thấy, mức giá khi đến tay người tiêu dùng có sự chênh lệch lớn đến chừng nào so với giá ban đầu do nông dân bán ra.

Không chỉ có các mặt hàng rau, củ quả, mà nhiều mặt hàng nông sản khác như: lúa gạo, mía đường, sản phẩm chăn nuôi… đều có sự hao hụt đáng kể. Không chỉ có hao hụt về lượng, việc bảo quản không đúng cách còn làm giảm chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khỏe của người tiêu dùng. Với thói quen sử dụng thịt nóng, nên hầu như các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đều được vận chuyển, buôn bán trong điều kiện “tự nhiên”, làm cho thời gian hư hỏng, giảm chất lượng diễn ra nhanh, gây lãng phí.

Phần hao hụt này là một sự lãng phí, khi vừa lấy đi một phần lợi nhuận của nhà nông, thương lái và cả quyền lợi của người tiêu dùng nữa; đồng thời, làm gia tăng lượng rác thải ảnh hưởng đến môi trường và chi phí xử lý. Việc hao hụt lớn các mặt hàng nông, thủy sản từ khâu thu hoạch đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, kinh doanh do sự yếu kém ở các khâu trung gian đã đành, chính thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống của người tiêu dùng cũng “đóng góp” một phần vào sự lãng phí này.

Để một sản phẩm nông, thủy sản đạt giá trị cao nhất, việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất là quan trọng, nhưng công tác bảo quản sau thu hoạch cũng hết sức cần thiết, bởi nếu không làm tốt vấn đề này, tất cả các bên tham gia trong chuỗi giá trị hàng nông, thủy sản đều chịu thiệt thòi và xã hội cũng bị tác động bởi sự phát sinh về môi trường.

Trong chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta nói nhiều đến việc gia tăng giá trị, hiệu quả và tính bền vững, nhưng để đạt được đích đến cuối cùng này không thể bỏ qua quy trình, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. 

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: