• Thương mại - Dịch vụ

Việc ban hành quyết định tăng giá nước là tất yếu, khách quan và đúng theo các quy định hiện hành

08/08/2019 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/08/2019 | 06:02

STO - Ngày 31-7-2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành 2 quyết định, gồm: Quyết định số 2114/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án giá nước sạch và Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cung cấp (có hiệu lực từ 15-8-2019). Để giúp người dân hiểu rõ về 2 quyết định này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Thanh Văn - Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết nguyên nhân, mục đích, yêu cầu và tính pháp lý của việc ban hành 2 quyết định nêu trên?

Đồng chí Võ Thanh Văn: Từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng áp dụng giá nước sạch trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 409/QĐ-UBND, ngày 29-2-2016, Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND, ngày 5-4-2016 của UBND tỉnh. Theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, ngày 15-5-2012 của Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, quy định: Khi các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch có biến động hoặc khi có sự thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lượng dịch vụ; sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng (hoặc giảm) thì cấp có thẩm quyền quyết định (hoặc phê duyệt) giá nước phải xem xét điều chỉnh tăng (hoặc giảm) khung giá, mức giá tiêu thụ nước sạch cụ thể cho phù hợp”.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng theo Quyết định số 1504/QĐ-UBND, ngày 26-6-2017 của UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng thành công ty cổ phần, mọi tài sản đối với công ty phải được xác định lại giá theo luật định nên giá trị doanh nghiệp có biến động tăng.

Cụ thể: Trước khi doanh nghiệp cổ phần giá trị theo sổ sách kế toán là 60 tỉ đồng, để thực hiện cổ phần hóa được xác định lại giá trị doanh nghiệp để bán cổ phần là 158 tỉ đồng (tăng 98 tỉ đồng); đồng thời, trong thời điểm này địa bàn tỉnh do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập nên nhu cầu sử dụng nước sạch trong dân cư tăng, do đó công ty phải tiếp tục mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch với tổng kinh phí đầu tư trên 80 tỉ đồng để người dân ở vùng bị ảnh hưởng sử dụng.

Qua quyết toán báo cáo tài chính năm 2018, công ty bị lỗ trên 21 tỉ đồng. Lý do các khoản chi phí tăng, như: khấu hao tài sản do định giá lại tài sản, mức lương vùng tăng, giá điện, vật tư hóa chất và một số nguyên nhiên vật liệu khác cũng tăng.

Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh giá nước sạch. Trên cơ sở đó, công ty đã báo cáo và trình UBND tỉnh xin điều chỉnh tăng giá nước sạch cung ứng theo nguyên tắc, quyết định giá mới phải được tính đúng, tính đủ giá thành sản xuất; lộ trình tăng giá phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi tích doanh nghiệp và đối tượng sử dụng, không làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống nhân dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Về chất lượng nước sạch do doanh nghiệp cung ứng, chúng tôi sẽ làm việc với Sở Y tế kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước sạch theo quy định.

Phóng viên: Đồng chí có thể giải thích thêm trường hợp nếu không điều chỉnh tăng giá nước thì sẽ như thế nào?

Đồng chí Võ Thanh Văn: Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của công ty, cụ thể như sau: Năm 2018 lỗ 21,3 tỉ đồng (theo Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán, Báo cáo kiểm toán số 07/2019/BCKT-PKF.VPHN, ngày 18-3-2019 do Công ty TNHH PKF Việt Nam thực hiện); trong 6 tháng đầu năm 2019 lỗ 9,7 tỉ đồng (theo Báo cáo tài chính quý II năm 2019 đã được Công ty TNHH PKF Việt Nam thực hiện). Như vậy đến nay, công ty đang lỗ lũy kế trên 31 tỉ đồng.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 51 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP thì trường hợp doanh nghiệp tính đúng, tính đủ các chi phí giá thành hợp lý, hợp lệ mà tỉnh không cho tăng giá nước sạch dẫn đến lỗ thì ngân sách nhà nước phải cấp bù chênh lệch giá. Tuy nhiên, do tỉnh ta rất khó khăn còn phải hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên không thể cân đối để bù.

Và như vậy, nếu không điều chỉnh tăng giá nước thì hậu quả: thứ nhất, sẽ mất vốn chủ sở hữu; thứ hai, sẽ khó khăn thanh toán các khoản nợ, vay hoạt động sản xuất, kinh doanh; thứ ba, nhà cung cấp không cung ứng (vật tư, dịch vụ), ngân hàng không tiếp tục giải ngân vốn vay để đầu tư dài hạn các công trình lắp đặt hệ thống cấp nước ở những khu dân cư mới, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thứ tư, hậu quả nặng nề nhất là lỗ lũy kế của doanh nghiệp, hết vốn sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng giảm quy mô cấp nước và cuối cùng là ngưng cấp nước. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề cho xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động dịch vụ. Cho nên, không thể để tình trạng trên xảy ra và không thể không điều chỉnh tăng giá nước được.

Phóng viên: Như vậy thì về quy trình thẩm định phương án như thế nào, xin đồng chí cho biết thêm?

Đồng chí Võ Thanh Văn: Việc điều chỉnh giá nước sạch thực hiện theo quy định của pháp luật, như: Luật Giá năm 2012 và Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP, ngày 28-12-2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT, ngày 15-5-2012 của Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; Thông tư số 88/2012/TT-BTC, ngày 28-5-2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, để làm căn cứ thẩm định và trình UBND tỉnh.

Ngay khi Sở Tài chính tiếp nhận phương án điều chỉnh tăng giá nước sạch của công ty, chúng tôi đã phối hợp các ngành liên quan (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế) thành lập tổ thẩm định và đã có báo cáo thẩm định các khoản chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ. Trên cơ sở kết quả thẩm định, chúng tôi tiến hành lấy ý kiến cơ quan Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh xem xét việc tác động tăng giá nước sạch và xây dựng biểu giá nước sạch sinh hoạt gửi Sở Tư pháp thẩm định. Tổng hợp các ý kiến, tiếp tục rà soát lại các quy định về chế độ hạch toán chi phí giá thành. Sau khi kiểm tra tính toán giá thành thực tế sản xuất 1m3 nước sạch theo quy định, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt.

Xét thấy việc điều chỉnh giá tăng cao có tác động lớn đến xã hội, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính rà soát và báo cáo đề xuất với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét lộ trình giá nước sạch trên tinh thần là tính đúng, tính đủ, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và đối tượng sử dụng, không làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống nhân dân và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, tuy tham mưu UBND tỉnh ban hành lộ trình tăng giá nước, nhưng trách nhiệm Sở Tài chính và người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện giám sát định kỳ theo quy định của Chính phủ về giám sát tài chính tại doanh nghiệp. Đồng thời, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh được kiểm toán để xem xét, đề xuất điều chỉnh lại giá thành phù hợp theo hướng nếu các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch biến động giảm thì sẽ giảm tương ứng.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết thêm về lộ trình thực hiện tăng giá nước như thế nào?

Đồng chí Võ Thanh Văn: Qua rà soát việc thẩm định và đánh giá lại chi phí giá thành của công ty việc thực hiện khấu hao trong giá thành kế hoạch được áp dụng đúng theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC, ngày 25-4-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Đồng thời, Sở Tài chính đã cùng công ty xây dựng lộ trình thực hiện, trong đó lấy phần lợi nhuận định mức (của 49% vốn nhà nước và 51% vốn các cổ đông) để lại để bù lỗ phát sinh sao cho đảm bảo lỗ không quá 5 năm và bảo toàn được vốn nhà nước.

Như đã trình bày trên, do cẩn trọng việc tăng giá nước nên phải tổ chức nhiều lần thẩm định, cân nhắc, lựa chọn lộ trình tăng giá nước ở mức hợp lý và hợp pháp.

Như đã trình bày trên, do cẩn trọng việc tăng giá nước nên phải tổ chức nhiều lần thẩm định, cân nhắc, lựa chọn lộ trình tăng giá nước ở mức hợp lý và hợp pháp. Với lộ trình tăng giá như Quyết định của UBND tỉnh nhưng công ty vẫn tiếp tục chịu lỗ qua nhiều năm. Và theo dự kiến nếu với mức giá này và công ty phấn đấu tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí thì khả năng sẽ có lãi trước 2024.

Hằng năm, Sở Tài chính sẽ cùng các ngành liên quan đánh giá lại các yếu tố cấu thành giá nước và kết quả sản xuất kinh doanh của công ty để xem xét, quyết định. Vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà, chúng tôi rất mong nhân dân và các tổ chức SXKD thông hiểu, chia sẻ và thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về nội dung cuộc trao đổi này!

PV (Thực hiện)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: