• Huyện Long Phú

Hệ thống thủy lợi góp phần phát triển kinh tế hộ

12/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 12/11/2018 | 06:00

STO - Mấy năm gần đây, đời sống người dân trên địa bàn huyện Long Phú có nhiều khởi sắc, đặc biệt là với hộ dân chuyên sản xuất các loại màu, cây ăn trái và cây lúa. Tất cả các cây trồng trên năng suất đều tăng cao, chất lượng luôn ổn định. Có được vụ mùa bội thu như thế, đều nhờ vào các công trình thủy lợi được các cấp chính quyền đầu tư rộng khắp trên toàn địa bàn huyện. Đồng thời, thủy lợi đã góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi cây trồng tại các địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất tại hộ.

Đi dọc theo tuyến đường dẫn từ xã Tân Thạnh đến thị trấn Đại Ngãi, thấy có đến hàng chục cống thủy lợi lớn được Trung ương và tỉnh đầu tư. Các cống trên đoạn đường này đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết con nước phục vụ cho các cánh đồng của các xã: Châu Khánh, Phú Hữu, Long Đức, Tân Thạnh... với diện tích hàng ngàn hécta lúa. Nhờ hệ thống thủy lợi rộng khắp nên hộ dân chuyên canh cây lúa đã yên tâm sản xuất và tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để canh tác lúa đồng loạt từ khâu gieo sạ đến thu hoạch.

Thủy lợi góp phần tăng năng suất cây trồng…

Cho rằng thủy lợi đã cải thiện đời sống gia đình nhiều hộ dân, ông Phạm Văn Nhỏ, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu bộc bạch: “Ngày xưa đường sá đi lại không có, phải lội đìa lội vũng, cây cối um tùm, mù mịt, đi đến đâu vạch đường đến đó. Các con kênh đều cạn, bởi đều được đào bằng sức người, xuồng ghe đi đã khó, nói gì đến việc lấy nước lên ruộng nên người dân chỉ làm lúa 1 vụ/năm. Chờ khi mùa mưa đến tận dụng nước mưa để cày xới đất, rồi gieo hạt theo hình thức sạ lan, công chỉ vài ba chục giạ lúa ăn đủ trong nhà, cho dù hộ có vài chục công ruộng làm cũng chỉ đủ ăn. Chứ bây giờ đã khác, ai có 10 công đất lúa đã khá giả chỉ vài ba năm canh tác, bởi giờ đây nông dân mình sử dụng các giống lúa đặc sản, cao sản, kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng ruộng, chi phí đầu tư giảm, năng suất lúa tăng, giá bán cao nhờ có bao tiêu. Để canh tác lúa đạt năng suất, yếu tố quan trọng nhất là phải có nước cung cấp đủ và đúng thời điểm. Tôi có 2ha lúa, canh tác 2 vụ/năm, nhờ các cống thủy lợi điều tiết nước tốt nên năng suất lúa lúc nào cũng cao, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 60 triệu đồng/năm”.

Hàng năm, Long Phú đều triển khai các công trình nạo vét kênh nội đồng, kênh tạo nguồn.

Là hộ dân chuyển đổi trồng lúa sang canh tác màu khi có con kênh tạo nguồn chạy dọc theo ruộng đang canh tác lúa, ông Lê Văn Hai, Ấp 4, xã Châu Khánh chia sẻ: “Mấy mươi năm gắn bó cây lúa, đời sống cũng có chuyển biến khi Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi tại địa phương. Có nước đồng nghĩa với việc sản xuất lúa thuận tiện hơn, không còn cảnh phải thức khuya dậy sớm túc trực bơm nước lên ruộng vào thời điểm lúa chuẩn bị trổ vì con kênh cặp ngay ruộng lúa, chỉ việc mở bờ bao nước lên ruộng ào ào. Nhận thấy lợi thế của con kênh, tôi mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất canh tác lúa sang trồng màu, chủ yếu là dưa leo; so với lúa, màu tốn nhiều công chăm sóc, bù lại màu có thu nhập mỗi ngày, thời gian xuống giống đến thu hoạch ngắn, 5 công dưa leo bình quân tôi hái 800kg trái, trừ chi phí thu về số tiền tầm 6 triệu đồng/ngày. Giờ đã có con kênh nước lúc nào cũng đong đầy, tôi quyết định chuyên canh luôn cây màu trên đất lúa, nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Hệ thống thủy lợi rộng khắp…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Theo thống kê, trên địa bàn toàn huyện có 344 kênh thủy lợi nội đồng, 15 cống lớn và hàng trăm cống nhỏ làm công tác điều tiết lượng nước tưới cũng như ngăn mặn cho các cánh đồng phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai nạo vét 62 công trình thủy lợi nội đồng, chiều dài 63,295km, khối lượng đào đắp 62.079m3, đạt 103% kế hoạch, kinh phí gần 2,5 tỉ đồng, phục vụ cho 2.760ha lúa. Đồng thời, nạo vét 13 tuyến kênh tạo nguồn, chiều dài hơn 111km, khối lượng đào đắp 557m3, kinh phí gần 12,7 tỉ đồng”.

Nhờ thường xuyên nạo vét các tuyến kênh nên việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Đồng chí Lâm Văn Vũ cho rằng, khi có công trình thủy lợi đầu tư, việc trồng trọt, chăn nuôi của bà con nông dân và việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thuận tiện hơn, nhất là các ghe có trọng tải lớn vào được đến tận ruộng thu mua lúa hộ dân, đẩy giá lúa lên cao; cùng với đó là các loại máy làm đất, gặt đập liên hợp chuyên chở bằng đường thủy nhanh chóng. Đặc biệt, thông qua thủy lợi, nhiều nông dân đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách trồng xen canh màu trên nền đất lúa (2 lúa, 1 màu/năm), góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển bền vững...

Để đảm bảo hệ thống thủy lợi phát huy hiệu quả phục vụ tưới tiêu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ địa phương vận hành các cống và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, đập đã xuống cấp để duy tu, sửa chữa đảm bảo công tác ngăn mặn, trữ ngọt, rà soát các công trình thủy lợi đã bị bồi lắng để nạo vét; vận động nông dân thường xuyên nạo vét kênh mương nội đồng phục vụ tốt cho sản xuất...

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: