• Nông nghiệp

Hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng đàn bò

05/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/04/2018 | 06:00

STO - Nuôi bò sữa là một trong những mô hình giảm nghèo bền vững của người dân tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Để duy trì hiệu quả kinh tế lâu dài, người dân đã chọn lọc, lai tạo các giống bò cho năng suất sữa cao cũng như tiếp tục tăng đàn bò sữa.

Dương Thị Sô Hoàng Ni, ấp Sô La 1, xã Tham Đôn bên đàn bò sữa của gia đình.

Trong những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có chuyến công tác đến huyện Mỹ Xuyên - là địa phương có số lượng bò sữa lớn và hộ nuôi phần lớn là bà con Khmer tại các xã: Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú... Men theo con lộ đal tìm đến nhà chị Dương Thị Sô Hoàng Ni, ấp Sô La 1, xã Tham Đôn, chúng tôi gặp chị Ni trong lúc chị đang vệ sinh chuồng trại, chăm sóc bò. Khi xong việc, chị Ni bộc bạch: “Mỗi ngày phải vệ sinh chuồng nuôi bò ít nhất 3 lần, nếu để chuồng bẩn sẽ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh lúc lấy sữa và sức khỏe bò”.

Cũng theo chị Ni, hiện gia đình chị có 11 con bò, trong đó có 6 con đang lấy sữa hơn 3 năm và số còn lại là bò hậu bị kèm bê. “Bình quân mỗi ngày, tôi vắt khoảng 65kg sữa bò tươi, giá sữa 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 750.000 đồng/ngày. Để bò có đầy đủ thức ăn xanh, tôi trồng 5 công cỏ, tận dụng nguồn rơm sản xuất lúa lấy ủ và bồi bổ bò tốt hơn thì cung cấp thức ăn gia súc” - chị Ni cho biết thêm. Đưa tay vỗ nhẹ vào đầu con bò, chị Ni tiếp lời: “Đàn bò gần đây đã cho sữa nhiều hơn so các năm trước do chuyển đổi các giống mới. Một số con được hỗ trợ từ Dự án phát triển đàn bò của tỉnh, số còn lại tôi mua từ các hộ có giống bò bố mẹ nhập khẩu từ nước ngoài. Dự kiến, tôi phát triển đàn lên khoảng 20 con lấy sữa và giữ đàn ở mức ổn định”.

ông Kim Sa Ry, ấp Sô La 1, xã Tham Đôn hào hứng khoe chiếc máy băm cỏ do ông sáng chế.

Đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sữa và “nổi tiếng” vì tự mày mò, sáng chế chiếc máy băm cỏ làm thức ăn cho bò (dù chưa học hết lớp 3 trường làng), ông Kim Sa Ry, ấp Sô La 1, xã Tham Đôn được bà con hàng xóm khâm phục. Theo ông Sa Ry, gia đình ông có 6 con bò sữa và hiện tại 4 con đang lấy sữa mỗi ngày, sản lượng sữa hơn 60kg/ngày. Trước đây, bình quân vắt được 40kg sữa tươi/ngày, sở dĩ sữa ít là do bò đã trải qua nhiều năm cho sữa, kèm với đó, bò có trọng lượng thấp do qua nhiều đời phối giống.

Ông Sa Ry cho biết: “Thấy đàn bò xuống cấp, tôi loại bỏ dần bò già, thay thế bằng các giống bò ngoại nhập. Công việc chăm sóc bò, cắt cỏ bò ăn và vệ sinh chuồng trại làm bằng thủ công tốn nhiều thời gian, công sức nên tôi đã tự nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy băm nhuyễn cỏ, giúp bò ăn dễ dàng hơn và tiêu hóa nhanh. Từ đó, tạo lượng sữa nhanh và nhiều hơn”. “Tôi nhận thấy, nuôi bò sữa đã đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho gia đình, kèm với đó là việc cải tạo, nâng chất đàn bò, giúp tăng sản lượng sữa, góp phần tăng thu nhập” - ông Sa Ry bộc bạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đào Đắc Hùng cho biết: “Đàn bò sữa toàn huyện là 2.403 con, sản lượng sữa 5,5 tấn/ngày; huyện có 1 trang trại bò sữa tập trung với số lượng hơn 200 con, nuôi bò theo quy trình hiện đại. Đồng thời, huyện có 2 trạm thu mua sữa đặt tại xã Đại Tâm và Tham Đôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vận chuyển sữa đến điểm bán. Ngoài kinh nghiệm sẵn có qua nhiều năm nuôi bò sữa, người dân còn được Dự án phát triển bò tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ bò giống chất lượng tốt, hỗ trợ tiền làm chuồng… Mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và người dân là thành lập hợp tác xã để bảo vệ quyền lợi người nuôi bò cũng như tạo thành khối thống nhất trong quá trình chăn nuôi và bán sữa bò tươi”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: