• Nông nghiệp

Lợi ích thiết thực khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

17/01/2019 18:41 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 17/01/2019 | 18:41

STO - Thấy được lợi thế từ vùng đất Mỹ Xuyên, ngành Nông nghiệp đã hướng hộ dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và diện tích lúa do hộ dân sản xuất được Doanh nghiệp Hồ Quang thu mua toàn bộ lúa sau thu hoạch.

Vài năm trở lại đây, diện tích lúa thơm của tỉnh phát triển mạnh nhờ vào việc chọn tạo thành công các giống lúa thơm cao sản mới và giống lúa ST, đáp ứng cả hai tiêu chuẩn về năng suất và chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng, nông dân canh tác đánh giá cao, đem lại thu nhập đáng kể cho nông hộ. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên nên các loại lúa thơm sản xuất trên địa bàn tỉnh có chất lượng tốt, bởi lúa thơm thích nghi vùng đất và cho mùi thơm; đây còn là vùng đất thích hợp nuôi tôm thẻ, tôm sú, đặc biệt là tại huyện Mỹ Xuyên. Do điều kiện nuôi tôm nên phải hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân, thuốc hóa học trên ruộng lúa, tránh ảnh hưởng đến con tôm nuôi nên người dân tại một số xã trên địa bàn huyện vừa trồng lúa kết hợp nuôi tôm, hay canh tác 1 vụ lúa, vụ kế tiếp xuống giống tôm. Thấy được lợi thế từ vùng đất Mỹ Xuyên, ngành Nông nghiệp đã hướng hộ dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và diện tích lúa do hộ dân sản xuất được Doanh nghiệp Hồ Quang thu mua toàn bộ lúa sau thu hoạch.

Ông Phùng Văn Sáu, thành viên Tổ hợp tác Đoàn Kết, ấp An Hòa khoe ruộng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ sắp đến ngày thu hoạch.

Đến xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên) trong buổi sáng nắng đẹp của những ngày đầu năm 2019, chúng tôi được ông Phùng Văn Sáu, thành viên Tổ hợp tác Đoàn Kết, ấp An Hòa, hồ hởi dẫn đường ra thăm ruộng lúa. Ông Sáu phấn khởi bởi mấy ngày qua bị ảnh hưởng vài cơn mưa lớn kèm theo gió nhưng lúa ST24 của ông sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn đứng vững. Ông Sáu bộc bạch: “Năm nay dù thời tiết mưa gió bất thường, lúa vẫn phát triển tốt, đặc biệt thời điểm lúa đang cong trái me, vài cơn mưa dồn dập lúa không bị đổ ngã. Nếu làm lúa bằng phân bón, thuốc hóa học chắc chắn lúa nằm “bẹp sát đất”. Còn làm lúa theo hướng hữu cơ, trong quá trình canh tác lúa được bổ sung các loại phân hữu cơ, giúp cây lúa chắc khỏe, cứng, bộ rễ nhiều bám sâu vào đất”.

Cũng theo ông Sáu, điều làm nông dân tâm đắc nhất đó là việc sản xuất lúa hữu cơ được sự đồng lòng của nhiều hộ dân. Từ đó, tập hợp nhau lại thành lập nên tổ hợp tác, được Nhà nước hỗ trợ giống, phân hữu cơ, kể cả thuốc sinh học, hướng dẫn cả cách xuống giống, bón phân theo từng thời điểm. Còn trước đây, theo tập quán cũ, cứ thấy lúa “xuống sắc” ngay lập tức bón phân, phun thuốc, làm tăng chi phí sản xuất nhưng ngược lại năng suất lúa không tăng. 

Ông Dương Văn Minh cho rằng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cây lúa chắc khỏe không bị đổ ngã dù có cơn bão số 1 đi qua.

Cũng tham gia Tổ hợp tác Đoàn Kết để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Dương Văn Minh tâm tình: “Tôi có tổng diện tích 13 công đất lúa, cùng kỳ năm trước tôi cũng làm giống lúa ST24, được doanh nghiệp bao tiêu giá tốt, nhưng không bằng giá hiện tại. Do vậy, cầm chắc vụ mùa 2018 lợi nhuận hơn 3 triệu đồng/công. Tôi nhận thấy, canh tác lúa theo hướng hữu cơ, cái lợi cho bản thân là nhẹ công chăm sóc, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, được các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết cách bổ sung phân hữu cơ kịp thời cho cây lúa, biết phòng trị rầy, sâu hại tấn công nên hạn chế đáng kể lúa bị dịch bệnh. Vụ lúa Đông - Xuân (2018 - 2019), tôi cầm chắc lợi nhuận 3 triệu đồng/công đất lúa. Vụ mùa tới, tôi sẽ tiếp tục sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, sau thu hoạch do được doanh nghiệp bao tiêu”.

Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Xuyên Ngô Thanh Liêm cho biết: “Bước đầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhiều hộ nông dân e dè, bởi có nhiều quy định nghiêm ngặt, trong suốt quá trình canh tác, hộ dân tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đồng thời, phải ghi chép đầy đủ các bước canh tác, số lần bón phân hữu cơ, phun thuốc sinh học và tuyệt đối không được phun thuốc diệt cỏ trên bờ bao ruộng lúa… Tuy nhiên, khi đã qua 1 vụ lúa, năng suất tốt, kèm theo giá cao, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, hộ dân phấn khởi, họ tự xin tham gia canh tác lúa hướng hữu cơ. Minh chứng là diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ vụ Đông - Xuân 2017 - 2018 là 9,6ha, sang vụ Đông - Xuân 2018 - 2019 tăng lên 40ha. Thế mạnh của cây lúa hữu cơ là chi phí sản xuất thấp, cải tạo độ màu mỡ của đất, được doanh nghiệp bao tiêu lúa giá cao, tăng lợi nhuận tốt cho người trồng lúa”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: