• Thi đua - Khen thưởng

Cù Lao Dung

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

27/07/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Năm, 27/07/2017 | 06:00

STO - Trong chiến tranh, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã chiến đấu anh dũng vì nền độc lập tự do cho dân tộc. Ngày nay, tiếp nối truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những CCB ấy đã trở thành tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực, không ngừng vượt khó vươn lên và trở thành những “chiến binh” trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trong những ngày tháng 7, khi cả nước đang hướng đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, được sự giới thiệu của lãnh đạo Hội CCB huyện Cù Lao Dung, chúng tôi tìm đến gia đình chú Phan Văn Lù - CCB ở ấp An Trung A (An Thạnh 1). Năm nay dù đã 75 tuổi, nhưng chú Lù vẫn còn khỏe mạnh, vừa thấy chúng tôi, chú Lù vui vẻ mời vào nhà.

Chú chân tình kể: “Tôi phải ra thăm vườn thường xuyên, nhất là vào mùa mưa để phát hiện bệnh ở cây sớm, có biện pháp phòng trị kịp thời. Bây giờ, được con cháu phụ tiếp nên cũng đỡ hơn trước, chứ sức khỏe cũng không còn như xưa nữa”. Hớp ngụm trà, chú Lù nhớ lại: “Năm 1967, tôi tham gia du kích ở xã An Thạnh 1. Đến năm 1970 bị địch bắt tù ở Phú Quốc và được trả tự do vào năm 1973. Sau khi hòa bình thống nhất đất nước, tôi trở về quê hương sinh sống và phát triển kinh tế gia đình”. 

CCB Phan Văn Lù sẽ mở rộng diện tích trồng dừa ẻo vì mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy là một bệnh binh, được hưởng trợ cấp hàng tháng theo chế độ nhưng chú không trông chờ, ỷ lại. Trở về cuộc sống đời thường, sức khỏe giảm sút, nhưng chú  không lùi bước trước khó khăn. Chỉ tay về phía vườn cây ăn trái, chú Lù kể: “Trước đây, vùng đất cù lao này cây cối um tùm, chủ yếu là vườn tạp. Tôi nhận thấy, vùng quê mình có nhiều tiềm năng rồi bắt tay vào thuê máy móc cải tạo vườn, lên liếp để trồng rẫy, cây màu đủ loại. Những năm đó được mùa, giá cả ổn định nên sau khi thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm cũng cho thu nhập mấy chục triệu đồng”.

Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí và nghị lực, chịu khó làm ăn nên hiện nay, chú đã mua được 8 công đất. Những diện tích trồng rẫy cho hiệu quả thấp, chú chuyển sang trồng cây ăn trái và cho thu nhập cũng khá cao. Hiện nay, chú đã có 150 gốc dừa các loại, trong đó dừa ẻo chiếm phần lớn vì theo chú, đây là loại cây trồng mau cho trái, không kén đất và sai trái. Ngoài vườn dừa, chú còn trồng thêm 70 gốc thanh long, mấy trăm gốc ổi nữ hoàng, Đài Loan và trồng xen các loại cây ngắn ngày.  Từ mô hình phát triển trồng cây ăn trái tổng hợp, mỗi năm gia đình chú thu về từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Một thời nghèo khó đã qua, giờ đây gia đình chú Lù đã khá giả, các con khôn lớn và chú đã có một cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi. 

Chia tay gia đình chú Phan Văn Lù, chúng tôi tìm đến ấp Nguyễn Công Minh B, xã An Thạnh Đông để tìm hiểu mô hình vượt khó thoát nghèo của CCB Lê Thanh Trung, 53 tuổi. Được biết, CCB Lê Thanh Trung sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1982, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cùng nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc chú tự nguyện lên đường nhập ngũ khi mới tròn 17 tuổi.

Những diện tích mía kém hiệu quả sẽ được CCB Lê Thanh Trung chuyển sang nuôi thẻ chân trắng.

Sau 9 năm tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia, chú phục viên trở về quê. Cũng như hầu hết những người lính khác, sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, chú Trung gặp không ít khó khăn. Khi xây dựng gia đình, cha mẹ hai bên đều nghèo, vợ chồng chú cũng đi lên từ 2 không “không vốn, không đất sản xuất”.

Chú Trung chia sẻ: “Những ngày đầu khi mới lập gia đình, vợ chồng tôi phải đi làm thuê khắp nơi, ai thuê gì làm nấy. Sau này, dành dụm được một số vốn nên mua được 8 công đất để sản xuất. Được chính quyền các cấp giúp đỡ về vốn, nhưng do chưa nắm được tình hình thổ nhưỡng nên trồng lúa kém hiệu quả. Sau này nhận thấy, tiềm năng thế mạnh ở địa phương, tôi quyết định chuyển một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng mía, số còn lại tôi nuôi thẻ chân trắng và thấy cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên và kết quả rất khả quan”.

Trong quá trình nuôi thẻ chân trắng, chú thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng tổ chức tại địa phương, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về khoa học kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Theo chia sẻ của chú Trung, nuôi thẻ chân trắng cũng không khó nếu mình áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, chẳng hạn điều kiện nước nuôi tôm được đảm bảo, môi trường nuôi không bị ô nhiễm thì con tôm ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, không bị rủi ro.

Với cách làm khoa học, 1 năm chú Trung bán được 3 vụ tôm, sau khi trừ chi phí cũng thu về vài trăm triệu đồng. Từ một CCB khó khăn, đến nay kinh tế gia đình khá ổn định, chú Lê Thanh Trung đã trở thành một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. 

Với sự năng động, nhạy bén trong sản xuất, CCB Phan Văn Lù và Lê Thanh Trung đã trở thành những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Song song đó, bản thân các chú còn tích cực tham gia các phong trào và giúp đỡ nhiều hội viên khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong thời bình, phẩm chất người lính Cụ Hồ lại được phát huy mạnh mẽ và trở thành dũng khí để các chú tiếp tục chiến đấu chống lại nghèo nàn, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: