• Nông nghiệp

Nỗi niềm làm lúa vụ 3

25/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Thanh Thảo
  • Thứ Tư, 25/04/2018 | 06:00

STO - Do thời điểm xuống giống lúa cho vụ 3 không đồng loạt, nên nông dân rơi vào hoàn cảnh éo le. Hộ cần nước để nuôi cây lúa, hộ thì không vì đang chuẩn bị thu hoạch. Và ai cũng mang nặng nỗi niềm làm lúa vụ 3.

Đợt mặn xâm nhập vào năm 2016 đã gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái và lúa của người dân trên địa bàn tỉnh. Huyện Long Phú cũng được xem là địa phương chưa bao giờ bị nước mặn, nhưng đợt mặn năm đó đã gây thiệt hại hàng nghìn hécta lúa khiến nhiều người dân chua xót nhìn ruộng lúa mất trắng. Lãnh đạo các địa phương trong huyện cũng trăn trở không nguôi, bởi người dân mất mùa sẽ kéo theo bao hệ lụy, như: giảm thu nhập/hộ, hộ tái nghèo và hàng loạt vấn đề khác.

Do đợt mặn xâm nhập vào năm 2016, nhiều hộ bị thiệt hại nặng nề rất “dè chừng” khi xuống giống lúa vụ 3. Nhưng trong những tháng đầu năm 2018, khi nhận thấy tình hình con nước thuận lợi (theo kinh nghiệm dân gian của hộ - PV), hầu hết hộ dân trên địa bàn huyện Long Phú đã mạnh dạn xuống giống lúa vụ 3. Đây được xem là vụ mùa bội thu khi các hộ dân đã và đang thu hoạch hồ hởi bởi lúa “trúng mùa, trúng giá”.

Hàng trăm hécta lúa tại khu vực Ấp 3, xã Châu Khánh đang giai đoạn thu hoạch.

Bên cạnh các hộ dân đã và đang trong giai đoạn thu hoạch lúa, vẫn còn một số diện tích lúa đang giai đoạn đòng đòng vô cùng lo lắng, bởi nhu cầu cần nước đưa vào đồng ruộng khi thời tiết nắng nóng gay gắt là rất cần thiết, nước bơm lên ruộng chỉ trong buổi sáng, chiều xuống nước không còn lưu trữ, làm chi phí canh tác lúa tăng và tốn công sức.

Bà Lý Thị Hiệp, Ấp 3, xã Châu Khánh bộc bạch: “Tôi canh tác 7ha lúa, hiện lúa đang giai đoạn cần nước nhưng do thời tiết nắng nóng, phải bơm nước liên tục vào ruộng để cây lúa trổ bông, no hạt. Cả tuần nay, chi phí tiền xăng dầu bơm nước khá nhiều, do vậy tôi chỉ mong được chính quyền địa phương xả cống lớn cho nước vào tận đồng”. 

Ông Dương Phúc Nhạc, cùng ngụ Ấp 3 bộc bạch: “Lúa đang giai đoạn vào hạt nên cần nước, nếu thiếu nước chắc chắn hạt bị lép, năng suất lúa giảm, giá bán xuống thấp. Với 35 công đất làm 3 vụ lúa/năm, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Lúa vụ 3 được xem là mùa vụ cho năng suất cao nhất, thường vụ này giá bán cũng cao hơn hẳn các vụ mùa khác trong năm. Năm 2016, do ảnh hưởng của đợt mặn nên bà con ít dám làm; còn năm nay, chúng tôi xuống giống cả cánh đồng, thậm chí có hộ còn thuê đất để sản xuất. Giờ thì các hộ có lúa đang trổ cần nước vào ruộng mà cống không mở, ai cũng lo lắng do chi phí bơm nước lên ruộng tăng từng ngày”.

Ông Nguyễn Văn Nam, có ruộng kế bên ngồi nghe câu chuyện với vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng, bởi 7ha đất lúa của gia đình ông đang cắt nước chuẩn bị thu hoạch, nếu nước vào toàn bộ số lúa sẽ bị ngập, máy gặt đập liên hợp không thể gặt được, gây thiệt hại lớn đến nguồn thu nhập. Trước tình hình trên, ông Nam bộc bạch: “Ruộng lúa của gia đình tôi 3 ngày tới sẽ thu hoạch dứt điểm đã gọi máy gặt đập liên hợp và nhận cọc của thương lái thu mua lúa với giá bán 5.800 đồng/kg nên nghe bà con cần nước lên ruộng, tôi thấy nhu cầu của họ hợp lý nhưng khi nhìn đám ruộng sắp tới ngày gặt mà nước tràn về chắc thê thảm, không biết thu hoạch bằng cách nào. Người nông dân một nắng hai sương, ai ai cũng cực khổ như nhau, nếu lợi ích người này mà người kia bị thiệt hại thì chính quyền phải cân nhắc trước sau, chứ tụi tôi không muốn tình làng nghĩa xóm rạn nứt vì nhu cầu nước cung cấp cho ruộng lúa”.

Đồng chí Huỳnh Hạnh Phước - Chủ tịch UBND xã Châu Khánh thông tin: “Cùng với các địa phương khác trong huyện, xã Châu Khánh cũng có thuận lợi về nguồn nước từ con sông Hậu và đợt mặn năm 2016, hàng trăm hécta lúa của người dân bị thiệt hại. Do đó, vụ lúa cùng kỳ năm 2017 chỉ có 135ha xuống giống và năm nay toàn xã xuống giống 835ha/1.093ha. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn các ấp (kể cả chung ấp) xuống giống không đồng loạt dẫn đến việc có hộ đang chuẩn bị thu hoạch thì có hộ lúa mới đang trổ. Vì vậy, hộ đòi xả cống cho nước vào ruộng, hộ thì đề xuất phải đóng cống, địa phương khó xử, vì làm cống chủ yếu để ngăn mặn nếu không có mặn vẫn mở nước phục vụ sản xuất của hộ dân nhưng khó là hộ cần nước, hộ không cần nước; so lại, số hộ không cần nước để thu hoạch lúa chiếm số lớn nên đành đóng cống để đảm bảo việc thu hoạch lúa của bà con. Riêng với hộ cần nước vẫn đảm bảo lượng nước đầy đủ trên các tuyến kênh nhưng bà con phải tốn chi phí tiền xăng dầu để bơm nước lên ruộng”.

Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Diện tích xuống giống toàn huyện ở vụ Đông - Xuân muộn là 12.010ha, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm trước và đã thu hoạch dứt điểm 4.000ha. Do ảnh hưởng đợt mặn năm 2016 nên huyện đã khuyến cáo người dân hạn chế xuống giống lúa vụ 3, ngoài yếu tố nước mặn, lúa vụ 3 còn có nguy cơ bị sâu hại, dịch bệnh tấn công. Tuy nhiên, do lúa vụ 3 trúng mùa, được giá nên người dân vẫn canh tác. Hiện tại, nước mặn đang lên tại cống Cái Oanh nên tất cả các cống đều phải đóng nhằm đảm bảo việc thu hoạch lúa của người dân và số lúa đang làm đòng không bị ảnh hưởng thiệt hại do mặn”.

Thanh Thảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: