• Huyện Trần Đề

Phát triển du lịch ở Trần Đề qua 1 năm tuyến tàu cao tốc hoạt động

12/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 12/07/2018 | 06:00

STO - Đến gần khu vực cảng Trần Đề, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề (Trần Đề), thỉnh thoảng, một vài chiếc xe chở khách số lượng lớn (40 - 60 chỗ) đi qua rồi lại trả về cho ấp Cảng không khí sinh hoạt êm đềm như vốn có. Những chiếc tàu lớn nghỉ ngơi nơi bến cảng sau những chuyến đi biển dài ngày. Bên bờ, một số vựa khô vẫn đang chế biến khô tại chỗ, một vài vựa có khách đi xe máy đến mua khô với số lượng nhỏ lẻ…

Đã gần 1 năm từ ngày tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo khởi hành chuyến đầu tiên (14-7-2017), những chuyến tàu đã mang theo biết bao hy vọng cho ngành Du lịch tỉnh nhà cùng hy vọng đổi đời của người dân thị trấn Trần Đề. Lượng người ra vào thị trấn Trần Đề nói riêng, huyện Trần Đề nói chung tăng lên rõ rệt, thu nhập của người dân nơi đây có tăng nhưng chưa tương xứng với số lượt khách du lịch đến với nơi này. 

Theo số liệu thống kê của huyện, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 11.600 lượt khách du lịch đi tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Trong khi ở những năm trước khi chưa có tàu cao tốc, tổng lượt khách du lịch mỗi năm đến Trần Đề khoảng dưới 9.000 lượt. Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Đề Lý Hoàng Ngân cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 5 - 6 xe lớn chở khách đến Trần Đề. Thời gian qua, các dịch vụ kèm theo như nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh đặc sản ít nhiều có phát triển, người dân cũng được hưởng lợi phần nào. Tuy nhiên, đa phần du khách đến Trần Đề để lên tàu cao tốc qua Côn Đảo. Cho đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa thu hút được du khách ở lại”.

Cảng Trần Đề với những tàu cá “nghỉ ngơi” hoàn toàn có thể khai thác phục vụ du lịch.

Chúng tôi đến các địa điểm gần Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo để tìm hiểu thực tế. Tại nhà nghỉ Gia Huân (ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề), 2 chiếc xe chở khách cỡ lớn nằm im đợi chờ trên vỉa hè của nhà nghỉ. Anh Bùi Hoàng Đệ - quản lý nhà nghỉ Gia Huân chia sẻ: “Nhà nghỉ của chúng tôi xây dựng cũng được hơn 3 năm nay rồi. Nhờ có tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, lượng khách cũng tăng được phần nào. Hiện nay, 1 tháng nhà nghỉ của chúng tôi tiếp được khoảng 200 - 300 lượt khách, khoảng 50% trong đó là khách đi Côn Đảo. Nhưng thực tế, phần lớn khách đến Trần Đề đều tranh thủ đúng giờ để đi thẳng qua Côn Đảo, lượng khách trọ lại qua đêm chủ yếu là do trễ tàu hoặc tình hình thời tiết bất lợi. Còn bình thường, chỉ có tài xế mới phải trọ lại thôi. Như 2 chiếc xe lớn đậu trước nhà nghỉ đó nhưng cũng chỉ có 2 khách ở trọ là tài xế của 2 xe”. 

Hiện địa bàn huyện Trần Đề có 1 khách sạn, 17 nhà nghỉ, 31 nhà trọ và 35 quán ăn tập trung tại 2 thị trấn Trần Đề và Lịch Hội Thượng. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông tại các điểm du lịch cũng được xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng tương đối nhu cầu phục vụ khách tham quan, du lịch. Như vậy, cái khó của du lịch Trần Đề hiện nay không nằm ở hạ tầng mà là chính sản phẩm du lịch. 

Qua cầu Kinh Ba, chúng tôi đi dọc theo bờ cảng cá, ngang qua chợ Kinh Ba. Nhìn chung, khu chợ vẫn còn mang diện mạo của chợ kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhu yếu phẩm của một thị tứ hơn là chợ phục vụ du lịch. Bên cạnh các gian hàng bày bán các loại khô đặc sản và hải sản tươi sống là các gian bán trái cây, mỹ phẩm, sửa chữa điện thoại và tạp hóa, hoàn toàn vắng mặt gian hàng bày bán đồ lưu niệm. Anh Nguyễn Văn Lễ - chủ vựa khô Phú Lễ (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) bộc bạch: “Nói nào ngay, 10 đoàn đi tàu cao tốc cũng được 1 đoàn ghé mua khô. Chỉ khi “biển động”, khách không đi tàu ngay được mới sang bên đây. Tôi thấy một phần tình hình này cũng do cách bố trí bến tàu. Bến tàu bên kia cầu Kinh Ba trong khi chợ lại bên đây. Bình thường xe đến đi thẳng ra bến tàu chứ họ đâu có sang đây làm gì”. 

Đồng chí Lý Hoàng Ngân cho biết thêm: “Để thu hút khách du lịch ở lại, thời gian tới, có thể mở ra dịch vụ đờn ca tài tử trên du thuyền chạy từ bến cảng ra cửa biển. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh, huyện cũng tích cực kêu gọi đầu tư Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) nhằm tạo điểm nhấn về du lịch, liên kết tour, tuyến…”. 

Bên cạnh các giải pháp do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Đề đề ra, để phát triển du lịch dựa vào tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, các cấp, các ngành cần quan tâm quy hoạch và chỉnh trang chợ Kinh Ba nhằm thay đổi hoàn toàn diện mạo chợ này thành chợ phục vụ du lịch hoặc xây dựng khu chợ mới chuyên cung cấp sản phẩm đặc sản địa phương, quà lưu niệm phục vụ du lịch bên bờ có bến tàu cao tốc. Có thể mở thêm dịch vụ mua bán trên tàu cá đi biển để tạo điểm nhấn riêng biệt cho du lịch Trần Đề cũng như mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đầu tư sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc hữu của địa phương. Để phát triển du lịch, không thể xem nơi khác có gì để thực hiện cho giống họ mà phải mạnh dạn tạo ra sản phẩm du lịch đột phá, độc đáo và đặc hữu. 

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: