• Xây dựng nông thôn mới

Xuân trọn vẹn của người dân vùng tôm lúa

11/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/03/2018 | 06:00

STO - Dư âm ngày xuân của người dân tại các địa phương nuôi tôm vẫn còn “lâng lâng”. Bởi dù xuân đã đi qua, nhưng với họ ý nghĩa của việc kết thúc mùa vụ nuôi tôm 2017 vẫn mang đậm dấu ấn trong lòng. Bắt đầu chuẩn bị cho vụ tôm 2018, người dân đang háo hức chờ đợi tiếp nối vụ mùa thành công rực rỡ.

Rõ nét nhất là sự đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên. Trong ánh nắng chói chang của những ngày tháng 3, chúng tôi có chuyến công tác đến xã Ngọc Đông, chỉ sau 2 năm đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương này đã có diện mạo hoàn toàn mới, bởi sau 2 vụ tôm thắng lớn liên tục, nhiều ngôi nhà mái bằng khang trang mọc lên “như nấm” nằm ven theo các tuyến lộ nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Trinh (ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông) khoe ngôi nhà mới xây dựng nhờ trúng tôm.

Ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Trinh, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, chị đón tiếp khách trong căn nhà khang trang. Ánh mắt rạng ngời, chị Trinh bộc bạch: “Vụ tôm 2017 tôi thắng lớn, chỉ với 4.000m2 ao nuôi, ở vụ đầu năm thu hoạch bán được hơn 250 triệu đồng, lợi nhuận có được tôi quyết định xây ngôi nhà mới”.

Cũng theo chị Trinh, hơn 15 năm nuôi tôm thì năm vừa rồi mới có mùa vụ bội thu, nhà xây xong cũng là lúc chuẩn bị thu hoạch vụ tôm thứ 2 và lần này lợi nhuận đem về hơn 300 triệu đồng. “Tôi trang hoàng nhà cửa, mua sắm các vật dụng hơn 100 triệu đồng, số còn lại tích lũy. Sau 2 vụ tôm trúng mùa, tôi chuyển sang làm lúa chất lượng cao, lúa đạt năng suất khá, giá tốt nên khi thu hoạch trừ hết chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng” - chị Trinh phấn khởi cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, phương pháp nuôi tôm của chị Trinh thành công là nhờ thả nuôi tôm thưa, xuống giống đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn, áp dụng quy trình nuôi cải tiến là trước khi thả giống xử lý ao bằng cách phơi nắng, bón vôi quanh ao, khoảng 2 tuần dẫn nước vào ao nuôi nước tầm 1 tháng. Trong thời gian đó, bổ sung thêm một số dưỡng chất nhằm tạo tảo làm nguồn thức ăn tự nhiên để con tôm ăn thêm ngoài thức ăn công nghiệp sẽ giúp tôm lớn nhanh.

Bùi Thị Giấy (ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông) bên ao nuôi tôm cho thu nhập tiền tỉ.

Vừa từ căn chòi canh tôm trở vào nhà, bà Bùi Thị Giấy cùng ngụ ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông mồ hôi nhễ nhại, mời khách nhanh chân vào nhà ngồi cho mát. Bà Giấy hồ hởi: “Ngày xưa khi còn làm ruộng, đại gia đình nhà tôi ở trong căn nhà lá lụp xụp, cứ mùa mưa đến là dột tứ phía, khổ lắm. Việc canh tác lúa cho năng suất chưa cao do làm theo tập quán cũ, kinh nghiệm bản thân tự đúc kết và bởi một phần chỉ làm lúa 1 vụ/năm nên đời sống khó khăn lắm. Từ khi được Nhà nước đầu tư hệ thống kênh thủy lợi rộng khắp và phát triển phong trào nuôi tôm kết hợp làm lúa, thì bà con ở đây có nhiều chuyển biến về đời sống, thu nhập tăng lên”.

Cũng theo bà Giấy, bà nuôi tôm đã hơn 20 năm nay, từ nuôi quảng canh sang bán công nghiệp và nuôi tôm thâm canh cải tiến. Dù ở mỗi thời điểm nuôi có sự khác nhau về quy trình, nhưng khi đã có chút kinh nghiệm cùng kiến thức học tập từ các nhà chuyên môn, việc nuôi tôm trở nên nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên con tôm không hề dễ nuôi, nếu trúng mùa người nuôi chỉ cần 1, 2 vụ có số tiền tỉ trong tay, còn chẳng may thiệt hại là lâm nợ.

Bà Giấy cho biết thêm: “Chính vì vậy, trong chăn nuôi cần phải thận trọng và tính toán yếu tố thành bại trước khi bắt đầu xuống giống. Tôi có 3 ao nuôi với tổng diện tích 22 công, 1 ao dùng nuôi tôm sú, 2 ao nuôi tôm thẻ”. Hớp ngụm nước, bà Giấy tiếp lời: “Con tôm thẻ có thời gian nuôi ngắn hơn, 1 năm có thể xuống giống 3, 4 đợt, còn tôm sú khoảng 2 đợt/năm; về mặt kinh tế thì tôm sú có giá trị cao hơn nhưng thời gian nuôi kéo dài, còn con tôm thẻ trong khoảng thời gian tái vụ liên tục vẫn cho thu nhập bằng hoặc cao hơn con tôm sú. Tết 2018, cả gia đình ăn tết rất vui bởi tôm trúng mùa, trúng giá. Theo đó, với 3 ao nuôi cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng. Bí quyết để vụ tôm thành công là việc chọn con giống phải chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như áp dụng quy trình kỹ thuật theo sự chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh đúng lúc, kịp thời”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Đông Trịnh Thanh Phong cho biết: “Tổng diện tích nuôi tôm toàn xã 2.655ha, trong đó tôm thẻ gần 1.900ha, diện tích còn lại là nuôi sú; tổng sản lượng tôm thu hoạch ước 225 tấn/năm. Sau vụ tôm, bà con nông dân sẽ xuống vụ lúa. Niềm vui chung là 2 năm gần đây, tôm đều “trúng mùa, được giá” nên đã nâng mức thu nhập của người dân lên đáng kể (từ 30 triệu đồng/người/năm tăng 37 triệu đồng/người/năm), góp phần vào việc đảm bảo giữ vững tiêu chí thu nhập xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, để vụ tôm 2018 thắng lợi, xã vận động người dân tuân thủ thả tôm đúng lịch thời vụ, chọn mua con giống tại các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín và cải tạo ao nuôi theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật”.

Thúy Liễu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: