• Trong nước

GMS sẽ thu hút 227 dự án với tổng kinh phí 66 tỉ USD

31/03/2018 20:39 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Bảy, 31/03/2018 | 20:39

Sáng 31-3, phiên toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội. Đặc biệt, GMS-6 nhất trí thông qua ba văn kiện quan trọng gồm Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022 và Khung đầu tư khu vực tới năm 2022.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự phiên họp. Ảnh: Duy Linh

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Vương quốc Thái-lan Pray-út Chan Ô-cha, Ủy viên Quốc vụ CHND Trung Hoa Vương Nghị, Phó Tổng thống CHLB Myanmar U Henry Van Thio, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) Lim Jock Hoi, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) Joaquim Levy tham dự phiên họp. Cùng dự, có quan chức cấp cao các nước GMS; đại diện Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh". Hàng trăm dự án với tổng vốn hơn 21 tỉ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường.

Trên cơ sở đánh giá những bài học kinh nghiệm từ 25 năm hợp tác GMS, nhìn nhận những cơ hội và thách thức đối với khu vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số hướng hợp tác lớn của GMS thời gian tới, gồm: (i) Phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở “chất lượng, xanh và thông minh”, phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức và chú trọng kết nối thông tin - viễn thông và năng lượng; (ii) Thúc đẩy “kết nối tương hỗ” về thương mại - đầu tư, đặc biệt là kết nối giữa các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm nông lâm thủy sản; (iii) Hỗ trợ các nước thành viên xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng khu vực; nâng cao năng lực tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản sạch; kết nối doanh nghiệp và nông dân; (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo các kết quả hợp tác đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS-5 và việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh GMS-6 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng trình bày. Hội đồng Kinh doanh cũng báo cáo về các thành tựu của khu vực tư nhân GMS thời gian qua. Sau đó, các đại biểu đã chứng kiến Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS từ Campuchia sang Lào.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh GMS-6 đã thành công tốt đẹp với tổng số lượt đại biểu tham gia các hoạt động khác nhau đã lên đến 3.000 lượt. Hội nghị nhất trí thông qua ba văn kiện quan trọng là: (i) Tuyên bố chung thể hiện cam kết chính trị, quyết tâm của các nước GMS nhằm nâng cao vai trò của cơ chế hợp tác này, (ii) Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 căn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác thời gian tới bao gồm thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay, (iii) Khung đầu tư tiểu vùng tới năm 2022 là danh sách 227 dự án hết sức cụ thể với quy mô khoảng gần 66 tỉ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với những thành tựu đáng tự hào mà GMS đã đạt được, với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, cùng sự đồng hành của ADB, WB và các đối tác phát triển, nhất là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, GMS hoàn toàn tự tin tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mê Công vì hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch của Hội đồng kinh doanh GMS từ Campuchia sang Lào. Ảnh: Duy Linh

* Tại cuộc họp báo sau khi phiên toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh GMS-6 kết thúc, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao khẳng định, thành công của hợp tác GMS đã thể hiện rõ nét qua những con số tăng trưởng, các dự án, chương trình hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng. Chủ tịch ADB bày tỏ lạc quan về tăng trưởng của tiểu vùng Mê Công, vì các nước thành viên GMS thời gian qua đã tăng trưởng ấn tượng khoảng 7%/năm. Được biết, từ năm 1992, ADB đã tài trợ khoảng 8 tỉ USD cho GMS. Ông Nakao kỳ vọng ADB sẽ cung cấp ít nhất 7 tỉ USD cho các dự án của GMS trong 5 năm tới.

Hoàng Hà/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: