• Trong nước

Hình ảnh tan hoang sau khi bão số 12 đi qua

04/11/2017 19:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Bảy, 04/11/2017 | 19:02

Sau khi đổ bộ vào bờ, cơn bão số 12 bắt đầu hoành hành tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đến giờ, Lâm Đồng và Đác Lắc đã hứng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão Damrey. Trưa 4-11, thành phố Tuy Hòa và nhiều địa phương khác của tỉnh Phú Yên vẫn còn ngổn ngang sau bão số 12. Nhiều nơi ở Nha Trang, Cam Ranh và các huyện khác của Khánh Hòa cũng tê liệt do bão.

Nhiều pano tại Đà Lạt bị đổ sập.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác cứu hộ tàu thuyền tại bờ biển Quy Nhơn

Tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ biển Quy Nhơn.

Chiều ngày 4-11, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp tới hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn cho các tàu thuyền đang neo đậu tại bờ biển Quy Nhơn. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, hiện có 8 tàu hàng bị chìm và mắc cạn khi neo đậu tại khu vực phao số 0, biển Quy Nhơn.

Tính đến 16 giờ ngày 4-11, có 8 tàu hàng (Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Jupiter, Nam Khánh 26, Sơn Long 8, Hà Trung 98, An Phú 168, FEI YUE 9) neo đậu trong vùng biển Quy Nhơn bị sóng đánh chìm hoặc dạt vào bờ, mắc cạn tại bãi biển. Theo thông tin ban đầu, có 83 thủy thủ, thuyền viên ở trên tàu, hiện đã cứu được 70 người vào bờ, hai người đã tử nạn, 21 người vẫn đang mất tích.

Về tàu thuyền đánh bắt cá, tàu cá BĐ 95184 TS, chủ tàu là ông Võ Minh Vương (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị gãy bánh lái lúc 23 giờ 30 ngày 3-11, vị trí phía Đông đảo Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn) 26 hải lý. Trên tàu có hai người, làm nghề đánh bắt ven bờ. Hiện Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Hoài Nhơn, Đài Radio Quy Nhơn đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến hỗ trợ giúp đỡ.

Ngày 4-11, tại phường Hải Cảng, Quy Nhơn có bốn người ra kiểm tra bè nuôi trồng thủy sản thì bị chìm ghe, hai người đã được cứu, còn hai người đang trôi dạt. Sáng cùng ngày, có bốn người mắc kẹt trên bè cá tại Khu vực 1 phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn cách bờ 300m, đã được đưa vào bờ trưa ngày 4-11. Tàu BĐ 97362 TS của ông Ngô Quốc Nam ở Hoài Hương, Hoài Nhơn trên đường vào cảng Quy Nhơn, có một người trên tàu rơi xuống biển.

Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Bình Định có 81 nhà bị sập, 95 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh, cột điện đổ. Về giao thông, có 20m3 đường Quốc lộ 1D bị sạt lở, hai cầu bị hư hỏng, nước ngập chia cắt một số xã. Về nông nghiệp, 379ha lúa bị ngã đổ, 21,6ha lúa giống gieo sạ bị trôi, 10 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.

Mực nước các sông trong tỉnh vẫn tiếp tục dâng cao, lúc 13 giờ, mực nước trên sông Hà Thanh tại Diêu Trì 6,3m (trên Báo động III 0,8m); trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn 72,69m (trên Báo động II 0,19m), tại Bình Nghi 16,84m (trên Báo động II 0,34m), tại Thạnh Hòa 6,6m (trên Báo động I 0,6m).

Ninh Thuận khắc phục hậu quả bão lũ

Tính đến 17 giờ ngày 4-11, vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã ngưng mưa và giảm các đợt gió thổi mạnh, tuy nhiên, tại các huyện miền núi, vẫn còn mưa rải rác, vùng biển động dữ dội, trời chưa thật quang tạnh. Toàn tỉnh đang triển khai các giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra.

7 giờ ngày 4-11, cơn bão số 12 đã đi ngang qua các huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn (Ninh Thuận), đã gây thiệt hại đáng kể về nhà ở và tài sản khác.

Tại huyện Bác Ái, bốn phòng học của Trường Tiểu học Phước Thành B bị tốc mái; nhà ăn Trường Mẫu giáo Phước Đại bị sập; 26 căn nhà của người dân tại các xã Phước Bình, Phước Đại, Phước Thành, Phước Tiến và Phước Chính bị tốc mái; trụ ăng-ten Đài Truyền thanh xã Phước Tiến bị sập; toàn huyện bị mất điện.

Tại huyện Ninh Sơn, tám căn nhà của người dân ở các xã Lâm Sơn và Ma Nới hư hỏng nặng; thư viện của Trường Tiểu học Lâm Sơn B; Trường tiểu học Ma Nới bị tốc mái; hai trụ điện hạ thế ở xã Nhơn Sơn bị ngã; nhiều cây xanh ở xã Lâm Sơn bị ngã đổ. Tại huyện Thuận Bắc, 12 căn nhà dân bị tốc mái và hư hỏng.

Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: “Chúng tôi đã thông báo khẩn cấp để người dân không đi vào các vùng trũng, vùng thấp, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Hiện nay, hầu hết bà con ở khu vực đất rẫy và đất ruộng dưới vùng hạ lưu cũng đã chuyển về với gia đình, đặc biệt là các hộ dân ở triền núi đã di dời về khu dân cư. Dự tính ngày 5-11, nếu trời dứt mưa, sẽ huy động lực lượng tiếp tục sửa chữa lại nhà ở giúp dân và Trường Tiểu học Phước Thành B…”

Đến 17 giờ ngày 4-11, nhiều hồ chứa như: Tân Giang, Lanh Ra, Bà Râu, Trà Co… đang xả lũ với lưu lượng 5-7 m3/s theo đúng quy trình, ưu tiên xả lũ vào ban ngày để người dân vùng Nhinh hạ lưu chủ động ứng phó. Hai trụ điện bị đổ ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đã được Điện lực Ninh Thuận khắc phục, các địa phương đang dồn lực và chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng sửa chữa lại nhà ở khi trời ngưng hẳn mưa.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh, nên toàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to trên diện rộng trong hai ngày 4 và 5-11, ước lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 250mm. Trên các sông chính, như: Sông Cái Phan Rang, Sông Lu… mực nước dâng cao, sẽ có nhiều khả năng xuất hiện đợt lũ lớn, nên tại các khu vực xung yếu như các xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (huyện Ninh Sơn); xã Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phước Bình (huyện Bác Ái); xã Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc); xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tại các xã vùng trũng và ven biển thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam, huyện Ninh Hải, huyện Thuận Bắc, do có mưa lớn kết hợp với triều cường, nên dễ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên diện rộng.

Đến 17 giờ ngày 4-11, toàn tỉnh đã di dời xong 3.410 hộ/13.059 người.

Nha Trang, Cam Ranh tê liệt sau bão quét

Sân bay Cam Ranh bị tốc mái tôn.

Đổ biển báo...

...và tắc nghẽn vì máy bay không cất cánh được.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 46 nhà sập hoàn toàn, hơn 5.200 nhà tốc mái. Chiều ngày 4-11, UBND TP. Nha Trang tiến hành họp khẩn để nghe báo cáo tình hình và lên kế hoạch khắc phục khẩn trương thiệt hại do bão gây ra, trong đó chú trọng việc dọn dẹp cây xanh đổ ở các trường học để học sinh sớm đến lớp.

Trường tiểu học Phước Thịnh, Nha Trang tan hoang.

Ngày hôm nay, sân bay Cam Ranh bị kẹt cứng, mái tôn, biển báo ở sân bay bị bão thổi bay tứ tung.

Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Vạn Ninh đều bị thiệt hại nặng sau bão. Thống kê chưa đầy đủ ở Khánh Hòa có 5 người thiệt mạng do bão, trong đó có ba người ở Vạn Ninh, một người ở Diên Khánh và một phụ nữ bị lật xuồng tử nạn ở Cam Ranh.

Cây đổ ở Mỹ Ca, Cam Ranh.

"Tâm bão" Phú Yên khi Damrey đi qua

Hàng loạt tàu thuyền ở huyện Đông Hòa bị chìm.

Đến 11 giờ ngày 4-11, hồ Thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả lũ và chạy máy với tổng lưu lượng gần 7.000m3/s, tăng gấp đôi so với lúc 15 giờ chiều ngày 3-11. Hiện mức nước các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang ở trên báo động cấp 2, có nơi trên đạt báo động 3 và đang tiếp tục dâng nhanh.

Toàn cảnh hoang tàn thành phố Tuy Hòa sau bão số 12.

Mưa lớn từ đêm đến sáng 4-11, đã làm hàng trăm cây xanh, pa nô, biển quảng cáo, trụ điện, viễn thông ở thành phố Tuy Hòa ngã đổ, chắn ngang đường, giao thông ách tắc nhiều tuyến; nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị và nhà nhân cũng bị tốc mái hoàn toàn.

Nghiêm trọng nhất là bảy trụ điện cao áp 22KV trên đường Trần Phú cung cấp điện cho các cơ quan hành chính bị gãy ngang thân, cắt điện hoàn toàn thành phố từ hai giờ sáng và khó khắc phục khẩn cấp; cầu cảng Vũng Rô cũng bị sóng biển đánh vỡ.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến trưa ngày 4-11, bão số 12 kèm theo mưa lớn, gió giật mạnh làm một người bị mất tích, bốn người bị thương, 946 ngôi nhà dân và trụ sở các cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Tuyến đường sắt bắc - nam bị tắc nghẽn, hai tàu hàng bị mắc kẹ tại ga Đông Tác và ga Hòa Đa; một số đoạn trên Quốc lộ 1 bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m, lưu thông khó khăn; 29 tàu thuyền của ngư dân neo đậu ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa bị sóng, gió lớn nhấn chìm; nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân huyện Đông Hòa và thị xã Sông Cầu bị sóng, lũ tàn phá, thiệt hại nặng.

Nhiều nơi ngập sâu.

Trụ điện cao áp 22KV trên đường Trần Phú cung cấp điện cho các cơ quan hành chính bị gãy ngang thân, cắt điện hoàn toàn thành phố.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, từ mờ sáng, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên và các huyện, thị xã, thành phố đã về các địa bàn xung yếu chỉ đạo tiếp tục cập nhật diễn biến của mưa lũ sau bão và bố trí lực lượng kiểm soát tại các vị trí ngầm, tràn, đường ngập nước, ngập lụt trên các sông; di dời, sơ tán dân ở những vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, triều cường, sạt lở đất; theo dõ chặt chẽ diễn biến thời tiết sau bão và xả lũ của các hồ thủy điện để chủ động phòng tránh và hỗ trợ nhân dân sớm vượt qua hậu quả thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Lý Sơn thiệt hại nặng

Ảnh hưởng bão số 12, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, cấp 8, biển động dữ dội đã làm hàng chục lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn bị sóng biển nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề.

Nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên bước đầu bão số 12 không gây thiệt hại về người, nhà cửa của người dân tại huyện đảo. Hàng trăm tàu của ngư dân đã kịp vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên, sóng biển đã đánh sập, cuốn trôi 27 lồng bè nuôi thủy sản của người dân tại vùng biển xã An Hải. Trong đó, 23 lồng bè, với gần 80 nghìn con tôm, cá đang trong thời kỳ xuất bán bị nhấn chìm hoàn toàn. Thống kê ban đầu, tổng thiệt hại cho ngư dân hàng chục tỉ đồng.

Những gì còn lại của một lồng bè nuôi hải sản.

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước bão số 12, các ngành chức năng huyện đảo tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá và các chủ nuôi trồng thủy sản đưa lồng bè và phương tiện vào bờ neo đậu an toàn. Tuy nhiên, nhiều chủ lồng bè vì chủ quan nên đã thiệt hại nặng nề.

Ngư dân cố gắng vớt vát những gì còn lại.

“Hiện nhiều chủ lồng bè bị sóng biển đánh rơi xuống nước và đang được các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư ứng cứu. Chúng tôi cũng triển khai các lực lượng ứng trực ven biển, kiên quyết không cho người dân ra khu vực nuôi cá để vớt cá nguy hiểm đến tính mạng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định.

Lực lượng chức năng giúp dân dọn dẹp sau bão.

Sạt lở nhiều đoạn nguy hiểm trên đèo Lò Xo

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ đêm ngày 3 và ngày 4-11 có mưa lớn, nhiều nơi có gió to. Mưa lớn đã làm một số điểm trên khu vực đèo Lò Xo (huyện Đác Glây) bị sạt lở, một cây gỗ lớn đổ chắn ngang đường khiến tuyến đèo này đang tắc nghẽn hoàn toàn.

Ghi nhận tại hiện trường hiện có hai điểm bị sạt lở nặng cách nhau chỉ 200m tại Km1411+200 và Km1411+400. Đến 16g 30, đường đèo đã được thông, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên cung đường này, Trạm Cảnh sát giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Kon Tum đang điều tiết, nhắc nhở các lái xe cẩn thận khi lưu thông qua khu vực này, đặc biệt là ban đêm có sương mù dày đặc để đề phòng nhiều tình huống xấu có thể xảy ra.

Lâm Đồng: Ghi nhận có hai người thiệt mạng, hơn 50 ngôi nhà tốc mái

Đến 14 giờ chiều nay (4-11), Lâm Đồng ghi nhận có hai người thiệt mạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, do mưa lớn kèm gió mạnh, khiến ngôi nhà của người dân tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, bị đổ sập hoàn toàn, hai người thiệt mạng. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang xử lý vụ việc.

Thống kê sơ bộ, huyện Lạc Dương có khoảng 40 ngôi nhà bị sập, tốc mái; hơn 100 ha nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao bị hư hại. Huyện Đam Rông, có 9 ngôi nhà bị tốc mái, một cây cầu bị cuốn trôi. Tại TP. Đà Lạt có hai ngôi nhà bị tốc mái.

Xử lý cây xanh ngã đổ trên đèo Prenn – cửa ngõ vào TP. Đà Lạt.

Hiện các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại một số địa phương. Các huyện có thủy điện xả lũ đã và đang thông báo để người dân chủ động phòng chống lũ.

Sáng ngày 4-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng cho biết, bão số 12 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng. Mưa lớn và gió giật mạnh khiến nhiều nhà tốc mái, cây xanh ngã đổ, gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu.

Khoảng 10 giờ sáng nay (4-11), tại TP. Đà Lạt ghi nhận, gió giật cấp 7, kèm mưa lớn khiến nhiều cây xanh bật gốc. Trên đường Yersin, TP. Đà Lạt, một cây tùng cổ thụ bị gió giật ngã, đổ ập vào một cửa hàng, rất may thời điểm này cửa hàng không có người. Trên đường Pasteur, phường 4, một cây xanh đường kính 40 cm ngã đổ, đè sập bờ taluy dài 3m. Trên đường Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Toản, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du… có một số cây xanh bị bật gốc.

Một cây xanh tại Đà Lạt bị bão quật ngã.

Hiện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng đang kiểm tra hiện trường tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais ghi nhận khoảng 50 ha hoa màu bị ngập, hư hại nặng; toàn huyện Lạc Dương gần 40 nhà bị tốc mái. Tại huyện Đam Rông, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi thông tin, đến khoảng 11 giờ 30 phút sáng nay, tại địa bàn có chín ngôi nhà bị tốc mái, xảy ra tại các xã Đạ R’Sal, Đạ M’Rông và Đạ Tông. Thủy điện Krông Nô tiến hành xả lũ, địa phương đã thông báo tình hình mưa bão đến nhân dân để có biện pháp phòng tránh an toàn.

Đề phòng ảnh hưởng bất thường của bão, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng thông báo tất cả các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 4-11, phân công bảo vệ trường học trực.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng Phan Công Ngôn cho biết, hiện các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ, với lưu lượng khoảng 75m3/s. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Lâm Đồng cảnh báo, mưa bão có thể gây lũ quét tại các sông suối, vùng trũng, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và không ra ngoài, nếu không thực sự cần thiết.

Bão số 12 đã gây thiệt hại tại một số địa phương ở tỉnh Đắk Lắk

Do ảnh hưởng bão số 12, sáng nay 4-11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có mưa to trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến từ 100mm đến 150mm, riêng tại xã Cư Prao, huyện M’Đrắc lượng mưa đo được lên đến 328mm. Từ đêm qua, tại các huyện phía Đông của tỉnh có gió mạnh cấp 6 đến cấp 9, riêng tại huyện M’Đrắc giáp với tỉnh Khánh Hòa có gió giật xấp xỉ cấp 10 và bước đầu đã gây ra một số thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắc Nguyễn Thế Thập cho biết, đến thời điểm hiện nay một số nhà dân và trường học ở xã Krông Jin, Ea Riêng bị tốc mái; hệ thống lưới điện ở khu vực này bị ảnh hưởng, nhiều cột điện ngã đổ, khiến nhiều xã bị cắt điện.

Nước lũ làm ngập nhiều tuyến đường nông thôn ở huyện M’Đrắc, gây ách tắc giao thông.

Ngay từ sáng sớm, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện M’Đrắc đã khẩn trương di dời các hộ dân ở Buôn Lêch, xã Krông Jin ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện nay huyện đang huy động lực lượng triển khai phương án bốn tại chỗ bám, nắm địa bàn giúp dân chống bão.

Tại các huyện Ea Kar và Krông Năng, 7 giờ sáng nay, gió đã mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, khiến mất điện ở nhiều nơi, nhiều cửa hàng, siêu thị ở các huyện này phải đóng cửa để phòng tránh bão.

Đến 9 giờ sáng nay (4-11), trên địa bàn huyện Krông Bông có mưa trên diện rộng, tại các xã Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm gió giật cấp 7, cấp 8. Gió lốc đã làm bốn căn nhà bị sập, 60 căn nhà và các công trình công cộng bị tốc mái, trong đó có trụ sở làm việc của HĐND, UBND xã và trạm y tế xã Yang Mao; 40 ha hoa màu bị ngập úng. Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa bão, hiện nay huyện đang huy động lực lượng hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, di chuyển người đến nơi an toàn.

Nhiều cây xanh ở trung tâm huyện M’Đrắc bị gãy đổ ảnh hưởng đến hệ thống đường dây điện trên địa bàn.

Tại huyện Cư Kuin, mực nước trên sông Krông Ana đoạn qua địa bàn huyện đã dâng cao 20cm so với mức báo động 3, mưa lớn đã gây ngập khu trung tâm hành chính huyện và một số vùng lân cận. Quốc lộ 27 đoạn qua chợ Trung Hòa, xã Ea Tiêu và xã Hòa Hiệp cũng ngập nặng gây khó khăn cho người dân lưu thông qua đây. Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Nguyễn Năng Chung cho biết: Trong sáng nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã được điều động để điều tiết giao thông khu vực này. Hiện nay, lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện vẫn đang túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa bão.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, cùng với sự chủ động của các địa phương trong tỉnh, sáng sớm nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đác Lắc đã tổ chức các đoàn cán bộ, chiến sĩ xuống các huyện phía đông của tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 để giúp nhân dân chống bão.

* Do ảnh hưởng của bão, hiện tại đường sắt bắc nam đang bị tê liệt hoàn toàn. Tại ga Nha Trang có hai đoàn tàu mắc kẹt lại với hơn 400 hành khách. Còn lại rải rác từ ga Sài Gòn đến ga Diêu Trì có năm đoàn tàu nằm tránh bão. Tổng số hành khách mắc kẹt lại lên đến hàng nghìn người. Hiện tại chưa thể xác định được khi nào có thể thông tuyến.

Ngô Quyền - Trình Kế - Mai Văn Bảo - Nguyễn Công Lý - Đông Huyền - Đinh Sỹ Tạo - Cát Hùng - Nguyễn Trung/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: