• Trong nước

Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long

22/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: TTXVN
  • Chủ Nhật, 22/10/2017 | 06:00

Ngày 20-10, tại Bến Tre, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang phối hợp tổ chức Hội thảo “Liên kết bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, những năm qua, vấn đề liên kết các tỉnh duyên hải phía Đông có đặt ra, nhưng chưa được rõ nét, chủ yếu do chưa có cách tiếp cận chiến lược thích hợp, chưa xác định đúng tầm nhìn và sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo các tỉnh.

Gần đây, lãnh đạo bốn tỉnh vùng duyên hải phía Đông gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre đã gặp gỡ, trao đổi và đi đến thống nhất cao về sự cần thiết phải liên kết, vượt qua “lực cản”, tháo mở các “điểm nghẽn” để phát triển bền vững. Để thúc đẩy việc liên kết, hợp tác cùng phát triển bền vững trong thời gian tới, với quan điểm liên kết là phải hiện thực, đã đến lúc chúng ta cần phải quyết tâm, đồng lòng, xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, hợp tác trên tinh thần quyết liệt, với trách nhiệm cao để cùng có lợi - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đề xuất.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng nhận định, 4 tỉnh duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long với dân số hơn 5 triệu người, có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là về kinh tế biển, cây ăn trái, du lịch. Đây là vùng có các hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, nên có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cảng biển…, đồng thời là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long ra biển Đông và ở gần 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Tuy nhiên, vùng này phát triển còn rất chậm, do nhiều nguyên nhân, trong đó, có vấn đề thiếu liên kết. Do vậy, vấn đề liên kết tiểu vùng là rất cần thiết để các địa phương phát triển nhanh và bền vững. Theo ông Dũng, muốn liên kết thành công thì Chính phủ phải “ra tay”, đặc biệt là vấn đề quy hoạch vùng duyên hải phía Đông, cách thực hiện quy hoạch cũng như có cơ chế, chính sách cho vùng.

Từ kinh nghiệm tư vấn cho tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên hình thành mối liên kết phát triển, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sông Mekong cho rằng, các tỉnh duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tìm ra điểm chung giữa các địa phương. Theo ông Thiện, những điểm đáng quan tâm của 4 tỉnh hiện nay là sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển kinh tế thủy sản.

Góp ý về hướng liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, liên kết trong tiểu vùng là cần thiết nhưng vấn đề liên kết ngoài tiểu vùng cũng rất quan trọng, nhất là vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt là vấn đề khai thác phù sa, trầm tích để tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long không bị xâm hại ngày càng nhiều như hiện nay.

Qua thảo luận, lãnh đạo các tỉnh vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long thống nhất sự cần thiết phải liên kết vùng giữa các tỉnh, nhằm tăng cường nội lực giữa các tỉnh thông qua sự hợp tác, cộng lực giữa các tỉnh; tránh những trùng lắp, chồng chéo, hay cạnh tranh không cần thiết giữa các tỉnh trong quá trình phát triển và giải quyết những vấn đề phát triển mà từng tỉnh riêng lẻ khó giải quyết được.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các ngành, các đại biểu đã đề xuất các lĩnh vực liên kết làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng mang tính khả thi cao, để phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể tập trung vào một số nội dung như: liên kết về tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp mà cả 4 tỉnh có thế mạnh như: dừa, trái cây, thủy sản, gạo..., hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, chất lượng, có thương hiệu để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, có đủ sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến; liên kết trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh; liên kết phát triển du lịch thành sản phẩm đặc trưng của tiểu vùng; liên kết thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thủy, bộ; liên kết phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cấp nước ngọt, ứng phó với biến đổi khí hậu; liên kết nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống; liên kết phát triển nguồn nhân lực…

Tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh là vùng sản xuất trái cây đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm rất nhiều loại, trong đó đặc trưng nhất là dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng, vú sữa…

Theo lãnh đạo các tỉnh duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long, những bất cập trong sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng này là diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán nên khó sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, sản lượng nông sản sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu rất hạn chế nên giá trị gia tăng chưa cao. Hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến nông sản trong tiểu vùng hầu như chưa phát triển và thiếu liên kết với người sản xuất, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

(Theo TTXVN)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: