• Trong nước

Nhiều tranh luận xung quanh quy định luật hóa đối tượng hộ kinh doanh

21/05/2020 14:39 GMT +7
  • Nguồn: Báo Hànộimới
  • Thứ Năm, 21/05/2020 | 14:39

Quy định về hộ kinh doanh trở thành một chương trong Luật Doanh nghiệp hay tách thành dự án luật riêng là nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), diễn ra sáng 21-5 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.

Nêu quan điểm việc điều chỉnh, quy định về đối tượng hộ kinh doanh cần luật riêng, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra con số cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản là 655 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động… Đây là loại hình rất cần được nâng cấp quản lý từ Nghị định lên thành luật riêng để có địa vị pháp lý cao hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt với doanh nghiệp khi chủ yếu hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ lẻ nên khi tách các quy định với hộ kinh doanh ra thành luật riêng để quản lý thì sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Đồng tình với việc không nên đưa đối tượng là hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh, quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp, mà cần xem xét ban hành luật riêng, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần doanh nghiệp; hộ kinh doanh về bản chất hoạt động và có cách thức, quy mô rất khác so với doanh nghiệp. Việc luật hóa hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hàng triệu hộ kinh doanh.

Cũng với quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, khi hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp sẽ quản lý theo Luật Doanh nghiệp, qua đó đơn giản hóa công tác quản lý, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện khi được quy định trong luật chung.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị sớm xem xét ban hành luật riêng đối với hộ kinh doanh để tạo sự bình đẳng cho các hộ kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý.

Ngược lại, không ít đại biểu ủng hộ việc đưa quy định về hộ kinh doanh thành một chương trong Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, xét về bản chất, vấn đề này chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), các loại hình được quy định trong luật bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định hộ kinh doanh là doanh nghiệp 1 chủ trong nền kinh tế nước ta.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa các loại hình, chủ thể kinh doanh hiện có.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có lợi cho hộ kinh doanh, chứ không cản trở hoạt động của loại hình này.

Bên cạnh đó, việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, vấn đề này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

“Nếu đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật riêng thì sẽ cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng xong được luật. Do đó, khi nào cần thiết sẽ xây dựng luật trên cơ sở chuyển toàn bộ nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp sang luật mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bên cạnh vấn đề về hộ kinh doanh, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định doanh nghiệp nhà nước; con dấu và thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp; quyền của cổ đông phổ thông; việc chào bán trái phiếu riêng lẻ…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, giải trình và chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tiến Thành/Báo Hànộimới

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: