• Trong nước

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

14/10/2017 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Bảy, 14/10/2017 | 06:02

Ngày 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện gửi UBND các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công thương yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vệ sinh môi trường sau lũ, khôi phục cơ sở khám, chữa bệnh bị thiệt hại; chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất... Ðồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó diễn biến thời tiết.

Sạt lở quốc lộ, nhiều vùng bị cô lập

Sáng ngày 12-10, xảy ra sự cố đê hữu sông Cầu Chày (đê cấp 4), tại cống Quan Hoa, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, tràn một số vị trí tại tuyến đê tả, hữu Cầu Chày, hiện địa phương đang xử lý. Về giao thông: sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở hai điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, hai điểm Quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm Quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2 đến 5m (Nghệ An). Ngoài ra, nhiều khu vực tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La bị chia cắt; sạt lở núi xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vùi lấp bốn hộ dân với 18 người. Ðịa phương đang tiếp tục thống kê tình hình và tập trung lực lượng khắc phục, tìm kiếm cứu nạn.

Về hồ chứa thủy lợi, tại Hòa Bình, đập hồ Cháu Mè bị sạt mái hạ lưu (hồ có dung tích 400 nghìn m3). Tại Thanh Hóa, mưa lớn đã làm vỡ 12m đập Cồ Bương (Cẩm Thủy) và sạt mái hồ Ðập Cầu (Hà Trung), chiều dài sạt 60m.

Bộ đội tỉnh Yên Bái giúp người dân Bản Loỏng, phường Pú Trạm, thị xã Nghĩa Lộ khắc phục thiên tai. Ảnh: Thanh Sơn

Tại Thanh Hóa, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), mấy ngày qua tại huyện Thạch Thành có mưa rất to, lũ lớn dâng cao trên sông Bưởi tại Kim Tân 13,88m, trên mức báo động 3 1,88m. Huyện chỉ đạo các xã tổ chức lực lượng tuần tra, hộ đê, tập kết vật tư sẵn sàng ứng phó khi đê bị tràn, xảy ra sự cố. Tại huyện Ngọc Lặc nước sông dâng cao nên các địa phương đã di dời các hộ đến nơi an toàn; cấp phát 119 thùng mỳ tôm, 20 thùng nước khoáng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các huyện, thị xã nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì lực lượng phương tiện, khẩn trương tiếp cận vùng bị cô lập để tiếp tế lương thực, nước uống cho các hộ dân, giúp dân gặt lúa, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Ðập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) (dung tích 100 nghìn m3) do mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, bảo đảm an toàn đập. Ðập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị vỡ với chiều dài 28m, sâu từ 3 đến 3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810m3.

Trong ngày 11-10, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 13.123 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch sơ tán 309 hộ dân vùng xả lũ cống Mai Phương, 3.331 hộ dân vùng xả tràn Lạc Khoái, huyện Gia Viễn và di dời dân vùng trũng thấp tại bảy xã thuộc huyện Nho Quan. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức di dời hơn 300 hộ dân. Tỉnh Yên Bái di dời và bố trí nhà ở tạm cho 153 hộ trong vùng nguy hiểm.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình, tính đến 15 giờ ngày 12-10, toàn tỉnh đã có tổng số 32 người chết và mất tích, trong đó đã tìm thấy 17 thi thể nạn nhân. Các khu dân cư hiện còn bị cô lập vẫn phải cứu trợ gồm Ðồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Ðồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Ðắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Ðoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Ðồng Ruộng của huyện Ðà Bắc; Yên Bồng, Khoan Dụ, Lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình của huyện Lạc Thủy.

Ðến 19 giờ ngày 12-10, mưa lũ tại tỉnh Yên Bái khiến bốn người chết, 14 người mất tích và bảy người bị thương; nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân bị thiệt hại, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng thiệt hại ước tính 120 tỉ đồng. Tại TP. Yên Bái, nước sông dâng cao đã ngập một số tuyến đường.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện vẫn còn 11 xã với hàng chục điểm bị cô lập do nước ngập và ách tắc giao thông, trong đó, huyện Vân Hồ sáu xã, 12 điểm bản; huyện Phù Yên bốn xã, 11 điểm bản. Trong số tám người chết và mất tích, đến trưa ngày 12-10 đã tìm thấy nạn nhân thứ sáu là bà Tòng Thị Ganh, 56 tuổi, ở bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Đức Phượng (Báo Hòa Bình điện tử)

Tại Phú Thọ, mưa, lũ đã làm ba người bị thương, gần 500 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng do sạt lở đất và ngập nước, di dời khẩn cấp 58 ngôi nhà; 305m đường giao thông với 103 điểm bị sạt lở, hiện đang tập trung khắc phục thông tuyến; nhiều cột điện bị gãy, đổ; hơn 220m kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng... Thiệt hại ước tính khoảng 22,8 tỉ đồng.

Nỗ lực cứu trợ người dân vùng thiên tai

Sáng ngày 12-10, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu 900 triệu đồng, 106 thùng hàng gia đình, 10 thùng viên khử khuẩn Aquatabs và 60 tấm bạt cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do đợt mưa, lũ vừa qua gây ra tại địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An. Tổng trị giá cứu trợ đợt 1 này là gần 1 tỉ đồng. Chương trình nhắn tin "Vì đồng bào vùng lũ", do T.Ư Hội và Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động đến ngày 6-10, đã nhận 107.727 tin nhắn, tương đương hơn 2 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhà ở và sinh kế cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

Cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã ban hành các quyết định hỗ trợ 2 tỉ đồng tới các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo đó, tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ 1 tỉ đồng; các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 200 triệu đồng.

Chiều 12-10, Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh tổ chức phát động đợt quyên góp cứu trợ khẩn cấp đồng bào các tỉnh miền bắc và miền trung bị thiệt hại do thiên tai. Ngay trong lễ phát động, các cấp hội và các nhà hảo tâm đã quyên góp được hơn 560 triệu đồng gửi đến đồng bào gặp nạn do lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ. Trước đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ cơ sở đã quyên góp được hơn 1 tỉ đồng.

Tại lễ phát động, hai nhà hảo tâm đã hỗ trợ 25 triệu đồng cho gia đình của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bị nước lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại vùng lũ Yên Bái ngày 11-10.

Lực lượng vũ trang giúp nông dân thôn Ðoài, xã Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) thu hoạch lúa bị ngập do mưa lũ. Ảnh: Mai Luận

Các địa phương cũng đang tích cực chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ. Tỉnh Yên Bái đã huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường của tỉnh, quân sự, công an với tổng số 2.200 người; huy động xe, máy phương tiện các loại để tập trung khắc phục sạt lở. Các huyện, thị xã đã tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và bố trí nhà ở tạm thời cho 153 gia đình. Ðồng thời, tập trung máy móc, thiết bị để khắc phục giao thông các khu vực sạt lở để khai thông các tuyến đường Quốc lộ 32, đường Tỉnh 166, đường Tỉnh 174. Sáng ngày 12-10, tỉnh Yên Bái đã thành lập nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ tiền và gạo cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại TX. Nghĩa Lộ. Tỉnh hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu trong hai tháng đối với những gia đình bị nước cuốn trôi hoàn toàn.

Ngày 12-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 79 gửi Công ty Thủy điện Sơn La, lệnh Giám đốc công ty cho phát điện trở lại các tổ máy theo yêu cầu sản xuất. Công ty tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập. Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang trong giới hạn cho phép và tiếp tục giảm. Cùng ngày, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã có Thông báo số 925 về việc đóng cửa xả đáy điều tiết hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, tiếp tục duy trì hai cửa xả đáy. Mực nước hạ lưu đập Thủy điện Hòa Bình dự kiến sau khi đóng là 17,50m. 14 giờ ngày 12-10, Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy để xả điều chỉnh nhằm giữ mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang không vượt quá cao trình 120,5m theo quy định, bảo đảm an toàn hồ chứa.

Cũng trong ngày 12-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã có Công điện số 81/CÐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Phú Yên trở ra; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Ðông. Theo đó, thông báo cho chủ tàu, thuyền trên biển chủ động ứng phó và phòng tránh; đồng thời sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Văn bản số 434 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc báo cáo nhanh về sự cố, thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, trên cơ sở thiệt hại, các địa phương tổng hợp, đề xuất yêu cầu gửi về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trước hết là nhu cầu lương thực, thuốc men... để nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Ðồng thời, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Văn bản số 435 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ chứa nước Hòa Bình.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 16 giờ ngày 12-10, mưa lũ đã làm 38 người chết, 42 người mất tích và 22 người bị thương ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Nội, Thái Bình.

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam sau hai ngày tê liệt

Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được thông tàu vào lúc 17 giờ 20 phút chiều ngày 12-10 sau khi nước lũ dâng cao tại khu gian Bỉm Sơn - Ðò Lèn vào trưa ngày 11-10 khiến nhiều đoàn tàu buộc phải dừng tại các ga lân cận. Lúc 11 giờ 50 phút ngày 11-10, mực nước lên ngập đường ray tại khu gian Bỉm Sơn - Ðò Lèn làm gián đoạn tàu và không thể chạy qua được khu gian. Ngành đường sắt cũng không thể chuyển tải hành khách bằng xe ô-tô do Quốc lộ 1 bị chia cắt. Ngành đã phong tỏa khu gian, đồng thời phục vụ miễn phí nước uống, đồ ăn cho hành khách và chờ tiếp tục hành trình. Về công tác khắc phục tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, với tiến độ liên tục cả ngày đêm như hiện nay, cộng với thời tiết thuận lợi, dự kiến hôm nay 13-10, sẽ thông bước 1, cho tàu chạy qua với tốc độ 5 km/giờ.

PV

Bão gần Biển Ðông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông của Phi-li-pin đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Khanun. Hồi 19 giờ ngày 12-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 123,6 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong ngày 13 - 10, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 20 đến 25km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ bắc; 118,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (60 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lúc 21 giờ ngày 12-10, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Ðế (Ninh Bình) đang xuống chậm. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long sẽ xuống mức 4,3 m (trên BÐ3: 0,3m). Trên sông Thao tại Yên Bái, trong 12 giờ tiếp theo, mực nước sẽ xuống mức 30,60 m (dưới BÐ2: 0,40 m); tại Phú Thọ xuống mức 17,30 m (dưới BÐ1: 0,2 m). Trên sông Hồng, sáng sớm 13-10, mực nước sẽ xuống mức: 8,0 m (dưới BÐ1: 1,50 m). Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và sụt lún đất do mưa lũ có khả năng xảy ra tại các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình.
Tại Thanh Hóa, dự báo sáng 13-10, lũ trên sông Bưởi, sông Chu, sông Mã tiếp tục xuống. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Yên Ðịnh, Thọ Xuân, Như Thanh, Như Xuân.

PV và CTV (Báo Nhân Dân điện tử)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: