• Trong nước

Thủ tướng: Làm sao thu hút được người giỏi, người giàu đến miền Trung?

21/08/2019 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Tư, 21/08/2019 | 08:00

Gợi ý tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng đặt vấn đề: Làm sao để thu hút người giỏi, người giàu đến miền Trung sinh sống, làm việc?

Sáng nay (20/8), tại Quy Nhơn, Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hội nghị phát triển vùng kinh tế do Thủ tướng chủ trì thời gian vừa qua, gồm hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm thế mạnh của miền Trung.

Phát triển miền Trung không phải là việc của 14 tỉnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển vùng kinh tế miền Trung không chỉ quan trọng đối với 14 địa phương trong vùng mà cả nước.

"Nhìn vào bản đồ của đất nước thì miền Trung như những “đốt xương sống” của con người. Nhân dân chúng ta thường gọi là “khúc ruột miền Trung”. Người dân cũng hay nói dễ nhớ là miền Trung như “chiếc đòn gánh”, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh yếu thì sẽ gãy. Vị thế của miền Trung không chỉ là kinh tế mà là cả quốc phòng, an ninh đối với đất nước. Vì vậy, chúng ta bàn về miền Trung, phát triển miền Trung không phải là việc riêng, việc của 14 tỉnh" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, chỉ ra những nút thắt từ phía bộ ngành mình. Các địa phương và chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển, qua đó xác định những chính sách cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho Vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng kỳ vọng hội nghị lần này đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất giải pháp cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng ngay sau hội nghị này, đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.

Nêu lên những vấn đề đó, Thủ tướng gợi ý một số nội dung cần tập trung thảo luận.

Theo đó, thảo luận về việc miền Trung cần tăng tốc phát triển để có quy mô kinh tế lớn hơn. Bởi quy mô kinh tế của vùng hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm trên 19% cả nước. Du lịch là thế mạnh của vùng nhưng doanh thu từ du lịch chỉ chiếm 20% cả nước.

Nêu thực tế đó, Thủ tướng gợi ý thảo luận về những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh: Thể chế chính sách động lực; ngành động lực; Nhân tố động lực. Đặt vấn đề, giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển cả về năng suất và chất lượng vùng kinh tế miền Trung, Thủ tướng cho biết, khu vực tổ chức Hội nghị (FLC) từng là khu vực hoang hóa, với những bãi sình lầy, cây cối thưa thớt, nhưng sau 3-4 năm, nơi đây đã trở thành khu đô thị du lịch, khách sạn hạng sang. Nêu ví dụ này, Thủ tướng gợi ý, phải chăng đây là câu trả lời cho việc phát huy thế mạnh của của vùng?!

Nội dung quan trọng nữa theo Thủ tướng, đó là vốn con người của 14 tỉnh, thành miền Trung không chỉ là 20 triệu người, mà là những người con quê hương miền Trung đang sinh sống, làm việc ở khắp trong và ngoài nước. Trong đó có rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt rất nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này.

Thủ tướng cho rằng, đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để những người con miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương; làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Trước đặc điểm địa lý và tính dễ bị tổn thương về tự nhiên và xã hội, nhất là trước thách thức biến đổi khí hậu, Thủ tướng đặt ra vấn đề liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong Vùng. Thực tế là vấn đề này vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất,...để tối ưu hóa phương án đầu tư. 

Nhấn mạnh thế mạnh vượt trội của miền Trung là kinh tế biển, tiềm năng lớn phát triển kinh tế rừng, Thủ tướng đặt vấn đề, rừng vàng – biển bạc  phải được phát huy như thế nào trong giai đoạn tới?. 

Thủ tướng đánh giá, miền Trung hiện nay đang phát triển tốt công nghiệp xây dựng (với nhiều cụm ngành kinh tế lớn như lọc hóa dầu, công nghiệp ô tô, công nghiệp thép...). Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch của vùng cũng tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng trên 41% kinh tế vùng. Do đó, Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao để tránh mâu thuẫn trong ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới? Làm sao để “hai chân” (tức hai lĩnh vực quan trọng này) phát triển mà không “giẫm vào nhau”, có được bước đi nhanh và không vấp ngã.

Cần những "con sếu lớn"

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho rằng, quy hoạch phát triển vùng là rất quan trọng, nhất là chi chiều dài của vùng lên đến 1.400 km. Theo đó, quy hoạch phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là các lĩnh vực như lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và phát triển du lịch.

Theo ông Chiến, cần có thể chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, ngoài các nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư trong nước, những “con sếu” lớn là rất quan trọng.

“Hiện nay các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đều đã tập trung đầu tư vào Thanh Hóa, giúp tỉnh có bước phát triển toàn diện và khá ở các lĩnh vực, tạo ra một xung lực trong phát triển kinh tế và giúp phát triển bền vững hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng với miền Trung” - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để góp phần thúc đẩy phát triển vùng, thì cần ba yếu tố gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường ven biển; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn vượt trội; giải quyết cho được tình trạng lao động di chuyển về hai đầu đất nước.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm gần 29% cả nước. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng hiện khoảng gần 2.100 USD, thấp hơn mức bình quân 2.600USD chung của cả nước.

Vũ Dũng - Thành Long/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: