• Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Kinh tế T.Ư

24/07/2018 09:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Ba, 24/07/2018 | 09:07

Chiều 23-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình kinh tế vĩ mô (KTVM) sáu tháng đầu năm 2018 và trao đổi một số chính sách, giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định KTVM, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư thời gian qua; nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho BCH T.Ư mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH) đất nước, Ban Kinh tế T.Ư đã bám sát chương trình công tác của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực tiễn KTXH của đất nước cũng như diễn biến kinh tế thế giới và khu vực để phối hợp Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả các chủ trương chính sách về đổi mới và phát triển KTXH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư.

Các thành viên trong Ban Cán sự đảng Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư và các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá về một số vấn đề đáng quan tâm như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, rủi ro chu kỳ kinh tế 10 năm, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam, từ đó đưa ra một số chủ trương, giải pháp về bảo đảm ốn định KTVM và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trong sáu tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Ban Kinh tế T.Ư chủ động thực hiện quy chế phối hợp công tác với Ban Cán sự Đảng Chính phủ thời gian qua; cho rằng thực hiện quy chế phối hợp này rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung bàn về các vấn đề KTVM, không chỉ về các giải pháp trọng tâm để hoàn thành toàn diện kế hoạch KTXH năm 2018 mà còn phải thảo luận thêm những động lực tăng trưởng thời gian tới. Thách thức còn rất lớn, nếu không có tầm nhìn, không chủ động các biện pháp, không đề phòng bất trắc thì việc thực hiện kế hoạch năm nay không hề đơn giản, mặc dù các tổ chức quốc tế có các đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.

Nêu rõ tình hình KTVM hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan trong chỉ đạo về điều hành là yêu cầu đối với các cấp, các ngành khi mà rủi ro từ kinh tế thị trường, tình hình thế giới hiện nay là rất lớn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình KTVM, khẳng định các mặt tốt nhưng đồng thời phải nhìn nhận mặt tồn tại, bất cập. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá sâu hơn về tình hình quốc tế như việc Hoa Kỳ tăng lãi suất, áp hàng rào thuế quan gây ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, EU, biến động thị trường tài chính, tiền tệ thế giới… và dự báo khả năng diễn biến tiếp theo để có đối sách kịp thời, không để bị động bất ngờ. Ngoài ra, cần phân tích, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế của nền kinh tế hiện nay và các biện pháp khắc phục. Thủ tướng yêu cầu phải có bước đi, cách làm tốt hơn, nhanh hơn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách hiện hành để tìm ra định hướng trong sử dụng các công cụ chính sách, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, vừa tạo đột phá cho tăng trưởng. “Một số chuyên gia có nói với chúng tôi rằng không gian chính sách tài khóa, tiền tệ không còn nhiều nhưng vấn đề đặt ra là dù còn ít nhưng cũng phải tận dụng hiệu quả, vừa làm, vừa tạo ra không gian mới, không chỉ áp dụng một công cụ mà có kế hoạch sử dụng nhiều công cụ. Không chỉ một loại chính sách mà vận dụng nhiều loại chính sách. Tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư cần phối hợp với nhau như thế nào cho hài hòa, cho nhịp nhàng. Đây là câu hỏi rất lớn bởi sự điều hành nhịp nhàng rất quan trọng”.

Đánh giá cao báo cáo của Ban Kinh tế T.Ư cũng như các bộ, ngành; biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua của Ban Kinh tế T.Ư, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư đã ký kết Quy chế phối hợp công tác, nhất định hai cơ quan sẽ hợp tác chặt chẽ hơn, thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách của Ban Kinh tế T.Ư và nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ. Chính phủ sẽ thường xuyên lắng nghe, trao đổi những ý kiến, đề xuất từ Ban Kinh tế T.Ư trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế cũng như lãnh đạo, điều hành nền kinh tế.

Ghi nhận những ý kiến phát biểu, nhất là những đánh giá, nhận định, kiến nghị, đề xuất của Ban Kinh tế T.Ư tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc để quyết tâm, chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp để bảo đảm ổn định KTVM và đặc biệt là tìm ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn từ nay đến cuối năm và giai đoạn tới.

Hà Thành Giang - Ảnh: Trần Hải/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: