• Trong nước

Tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội: Thẳng thắn đi đến cùng vấn đề

12/11/2017 14:10 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Chủ Nhật, 12/11/2017 | 14:10

Điểm nhấn trong tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội là phiên họp Quốc hội đã có sự tranh luận quyết liệt giữa đại biểu với đại biểu.

Kết thúc tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội cùng với việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, một số nội dung quan trọng của đất nước đã được các đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc.

Đó là lần đầu tiên phiên thảo luận về công tác tư pháp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến đông đảo cử tri trong cả nước, cùng với đó một loạt dự án luật quan trọng khác như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật tố cáo sửa đổi và chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cũng được các vị đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp nhiều ý kiến.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quang Vinh)

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ghi nhận một phiên họp Quốc hội có sự tranh luận quyết liệt giữa đại biểu với đại biểu. Phiên thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng ngay trong ngày làm việc đầu tiên đã "nóng" lên, nhưng sôi động và hấp dẫn, đúng với tính chất của nghị trường.

Có ý kiến cho rằng, sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là một điều khủng khiếp đối với người dân. Có những vụ án đơn giản cũng phải kéo dài, nhiều đơn từ, giấy phép, có những lúc người dân biết lãnh đạo đã ký, nhưng mấy tuần vẫn chưa đến dân được. Điều này đòi hỏi người dân phải chạy, phải bôi trơn, phải lót tay thông qua "cò" hoặc nhân viên nào đó.

Cùng với đó, một số đại biểu cũng đã nêu lên một loạt các tồn tại, hạn chế trong ngành tư pháp, đặc biệt là tình trạng oan, sai xảy ra trong quá trình tố tụng. Các phát biểu này dường như ngay lập tức nhận sự tranh luận lại của các đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), Hoàng Văn Liên (đoàn Long An), Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội)...

Trên tinh thần này, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết, yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.

Thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục nhấn mạnh không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. “Không loại trừ bất kỳ ai, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”.

Phiên họp khép lại với việc Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mời lần lượt Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình những vấn đề ĐBQH nêu lên. Có thể thấy, việc tranh luận thẳng thắn, thậm chí là gay gắt tại nghị trường trên tinh thần vì lợi ích chung của cộng đồng luôn được người dân ủng hộ. Nó cho thấy những kỳ vọng mà họ gửi gắm được quan tâm, lo lắng. Những vấn đề hệ trọng của quốc gia được trăn trở mổ xẻ mà không ngại lực cản từ ai và thế lực nào.

Bên cạnh việc thảo luận các báo cáo của Chính phủ, một trong những dự án luật được Quốc hội thảo luận sôi nổi là Luật tố cáo sửa đổi, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc hiện nay chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử, tại sao không chấp nhận tố cáo qua email?

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 mà sao luật lại đặt vấn đề này ra bên ngoài? Trong khi Luật phòng chống tham nhũng, luật Tiếp cận thông tin đều đã đề cập đến hình thức này, nên luật Tố cáo cũng phải xem xét.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thực tế: Luật phòng chống tham nhũng và Luật tố tụng hình sự cũng đã quy định hình thức tố cáo bằng email, điện thoại, fax, vậy tại sao Luật tố cáo lại không chấp nhận hình thức này. Vấn đề là dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.

Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Giải trình thêm về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại... theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại cần phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.

Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%.

Nghị quyết cũng khẳng định quyết tâm của Quốc hội trong việc tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo chương trình trong làm việc thứ 4, bên cạnh việc Biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), thảo luận một số Dự án luật quan trọng, Quốc hội sẽ dành 3 ngày chất vấn các vị Bộ trưởng trưởng ngành và các thành viên Chính phủ.

Văn Hiếu/vov.vn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: