• Trong tỉnh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng hiệu quả Chính phủ điện tử

13/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 13/02/2020 | 06:00

STO - Ngày 12-2, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Sau gần một năm triển khai và thực hiện Quyết định số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng 9 lần. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên toàn quốc, qua đó có 8.000 hồ sơ/1 ngày được xử lý. Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp trong xã hội trong thời đại số. Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tra cứu thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp chức năng đăng nhập một lần để thực hiện thủ tục hành chính tại cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn 2 lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Khai trương Hệ thống chia sẻ dữ liệu và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, nhằm hình thành một mạng lưới rộng khắp, giám sát liên tục và kịp thời cảnh báo về an toàn, an ninh mạng.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: M.Linh

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại như: Chưa ban hành được các nghị định về định danh, chia sẻ dữ liệu; chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; trên 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp; thiếu nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển Chính phủ điện tử; mất an toàn mạng trong cơ quan trọng yếu; thiếu chiến lược đào tạo cán bộ, công chức, viên chức để hình thành phương thức quản lý, điều hành mới, phương thức quản lý điều hành sử dụng dữ liệu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chỉnh phủ chủ trì và triển khai thực hiện trong năm 2019; Bộ Công thương chia sẻ kết quả trong đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; UBND tỉnh An Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chính quyền điện tử…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ với những kết quả đạt được trong xây dựng Chính quyền điện tử. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ số, thanh toán điện tử. Tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt nâng cao tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4. Tiếp tục xây dựng kế hoạch chiến lược thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là trong ban hành các nghị định có liên quan. Hoàn thiện các yếu tố nền tảng Chính phủ điện tử phấn đấu với các mục tiêu: 100% cấp bộ, ngành, địa phương có nền tảng chất lượng chia sẻ dữ liệu và 100% cơ sở dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối vào nền tảng chất lượng trên dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh thành có trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin văn bản…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ có liên quan và địa phương phải đảm bảo nguồn tài chính cho xây dựng Chính phủ điện tử. Phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong công tác phối hợp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực Quyết định số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử. Trong xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

M.Linh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: