• Trong tỉnh

Không chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão

01/11/2017 21:10 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/11/2017 | 21:10

STO - Với tình hình áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa bão diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang chủ động thực hiện công tác phòng, chống lụt bão nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, tài sản cũng như hoạt động sản xuất.

Lãnh đạo Cục Phòng chống thiên tai Trung ương và UBND tỉnh khảo sát khu vực ATNĐ chuyển lên thành bão sẽ bị ảnh hưởng.

“Không chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão”, đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện gửi đến các địa phương trên địa bàn tỉnh trước thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh về tình hình ATNĐ đang diễn ra. Cụ thể vào lúc 4 giờ sáng ngày 1-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,9 độ vĩ Bắc; 108,1 độ kinh Đông cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 15 - 20km.

Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng, gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0m - 4,0m, biển động mạnh, ven biển các tỉnh Nam bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4m - 4,5m. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoản 5 - 10 độ vĩ Bắc, 103,5 - 110 độ kinh Đông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Do ảnh hưởng hoàn lưu ATNĐ từ chiều ngày 1-11 vùng ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6 - 7, đến hết ngày 2-11, ở Nam bộ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to.

Trước thông tin ATNĐ diễn ra có chiều hướng xấu và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương ở Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh đã ráo riết chuẩn bị mọi phương án cũng như chỉ đạo các ngành liên quan cùng các địa phương khẩn trương về công tác phòng, chống lụt bão nhằm không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân cũng như đảm bảo việc sản xuất của người dân. Cũng khoảng thời gian này 20 năm trước, bão Linda đã tàn phá nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu của người dân và cướp đi sinh mạng hàng nghìn người dân, trong đó các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng ảnh hưởng ít nhiều từ cơn bão trên. Chính vì tác hại nặng nề từ cơn bão Linda 20 năm trước mà hiện người dân các tỉnh Nam bộ đã có phương án sẵn sàng ứng phó bão và người dân đã ý thức phần nào tác hại của bão đối với đời sống, sản xuất sinh hoạt.

Để hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng, chống thiên tai, đích thân Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiêm Trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đã đến kiểm tra trực tiếp tình hình phòng, chống thiên tai tại Sóc Trăng. Về phía tỉnh, dù đang tích cực chuẩn bị lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ III - khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, nhưng trước diễn biến của ATNĐ và mưa, bão mà lãnh đạo tỉnh đã triển khai các cuộc họp ứng phó và chỉ đạo các ngành, các địa phương tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt xa bờ tìm nơi tránh, trú an toàn, nhằm tránh thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện thông tin: Tỉnh Sóc Trăng có tổng số 214 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ với 1.150 thuyền viên và tàu đánh bắt gần bờ là 21 tàu, với số thuyền viên 42 người. Hiện tại nhiều tàu đã cặp bến cảng neo đậu an toàn và một số tàu đang trên đường di chuyển trở về cảng neo đậu và các tàu đang giữ liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh rất tốt. Cũng theo thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh, để đảm bảo an toàn cho những phương tiện đánh bắt trên biển về nơi tránh, trú bão an toàn, tỉnh giao các ngành liên quan liên lạc thường xuyên các tàu nhằm kêu gọi tàu vào bờ tránh bão. Đồng thời, xem xét những vùng mà bà con sinh sống trong và ngoài đê biển để di chuyển vào nơi an toàn; song song đó đã chỉ đạo các địa phương gia cố các đoạn đê nhằm đảm bảo sản xuất cho người dân.

Nhiều thuyền đã về Cảng cá Trần Đề neo đậu trú, tránh bão.

Tàu vừa cặp Cảng cá Trần Đề an toàn, ông Nguyễn Văn Thơ ở thị trấn Trần Đề (Trần Đề) chia sẻ: “Tôi đi biển đã hơn 30 năm nay. Trước kia, theo kinh nghiệm bản thân quan sát bầu trời để biết khi nào có bão, nhưng giờ đây thời tiết thay đổi ngày càng phức tạp nên không thể đoán theo cảm tính hay nhìn bằng mắt thường. Nhiều năm rồi đi biển, tôi chỉ nghe theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn và thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh để biết thời tiết. Tôi có 4 chiếc tàu trọng tải mỗi chiếc 40 tấn đánh bắt chủ yếu tại Côn Đảo. Vào đêm hôm qua, nghe đài báo có ATNĐ nên tôi di chuyển nhanh tàu về lại cảng cá”.

Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Đức Quang cho rằng: Do một số tỉnh phía Nam (trong đó có tỉnh Sóc Trăng) chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai nên Ban Chỉ đạo Trung ương chống thiên tai đã cử 2 đoàn công tác xuống các tỉnh để hỗ trợ. Việc trọng tâm nhất các tỉnh cần thực hiện đó là: kêu gọi các tàu thuyền vào nơi neo đậu và neo đậu đúng cách. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp tránh nước tràn vào nhà dân khi triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn, chằng chéo nhà không để đổ sập ở khu vực ven biển gần đê biển vì sức gió cấp 6 - 7, giật cấp 9. Khẩn trương gia cố và đảm bảo an toàn tại các tuyến đê trọng điểm, khẩn trương gia cố những tuyến đê tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018. “Qua đi thực tế, tôi nhận thấy tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tốt tất cả các phương án phòng, chống thiên tai”, đồng chí Nguyễn Đức Quang đánh giá.

Theo dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được 15km - 20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Trước tình hình ATNĐ diễn biến phức tạp người dân cần theo dõi thường xuyên dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các địa phương cần chủ động trên tinh thần không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Phải huy động được nguồn nhân lực và phương tiện, đảm bảo vận hành tốt khi có tình huống xảy ra. 

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: