• Trong tỉnh

Thiếu vốn đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ sông

13/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 13/06/2018 | 06:00

STO - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 9.611m bờ sông cần được đầu tư cấp bách để khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, để thực hiện các công trình khắc phục, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư…

Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp

Sóc Trăng là tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, có nhiều cửa sông lớn tiếp giáp với biển Đông, với chiều dài bờ biển khoảng 72km. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mỗi khi triều cường dâng cao, sóng vỗ vào bờ gây xói lở bờ sông, ngày càng lấn sâu vào đất liền và nhà của người dân sinh sống ven sông. Tình trạng này đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân sống dọc theo các tuyến sông thuộc các huyện: Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung.

Sạt lở tại khu vực đê bao Đồn Biên phòng An Thạnh 3 (cũ) thuộc huyện Cù Lao Dung.

Hầu hết những khu vực bị sạt lở đều có đông người dân sinh sống và buôn bán, nhiều hộ phải sống chung với tình trạng bị xâm thực nhiều năm nay. Tại huyện Long Phú, hàng năm tình hình sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp, mỗi năm có trên 20 điểm sạt lở. Anh Dương Huy Tuấn ở ấp Ngãi Hội 1, thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) cho biết: “Khu vực chợ Đại Ngãi này sát tuyến sông Hậu nên tập trung nhiều hộ sinh sống và buôn bán, bà con chúng tôi rất lo lắng vì khu vực này đang có dấu hiệu sạt lở. Nếu được Nhà nước xây dựng bờ kè hoặc có công trình phòng chống sạt lở thì chúng tôi an tâm hơn”.

Tương tự huyện Long Phú, các điểm sạt lở ở huyện Kế Sách thường tiếp giáp sông Hậu nên dòng chảy phức tạp, có 191 hộ bị ảnh hưởng chủ yếu sống trên nhà sàn, buôn bán và làm thuê. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra hơn 30 điểm sạt lở, chủ yếu xảy ra tại các cù lao và đất liền cặp bờ sông.

Riêng huyện Cù Lao Dung, do ảnh hưởng thường xuyên của triều cường và dòng chảy ven sông Hậu nên trên địa bàn huyện đang có 5 khu vực đang sạt lở nghiêm trọng, tập trung ở các xã: An Thạnh 1, Đại Ân 1, An Thạnh Đông và An Thạnh 3, đe dọa đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân ở các xã đảo.

Thiếu kinh phí đầu tư các công trình kiên cố 

Hàng năm, mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân trong các vùng sạt lở đã gia cố để bảo vệ bờ kênh và các công trình giao thông nông thôn. Song những công trình này còn nhỏ lẻ, kết cấu tạm bợ nên không đảm bảo an toàn cho các hộ dân, các địa phương ven sông lại rất cần nguồn kinh phí lớn để thực hiện công trình gia cố, chống xói lở chắc chắn hơn.

Nhiều nhà sàn của người dân ở thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) đang đối diện với nguy cơ sạt lở.

Theo ông Huỳnh Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kế Sách, thời gian gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến bất thường. Huyện đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục khi có sạt lở xảy ra nhằm không để ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Hiện nay trên địa bàn huyện còn 7 điểm có nhiều hộ dân sinh sống có nguy cơ sạt lở và cần ngành chức năng đến khảo sát để xác định nguy cơ và có biện pháp xử lý.

Đối với huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung, ngoài việc tuyên truyền, vận động các hộ sinh sống ở khu vực sạt lở vào nơi an toàn, chính quyền địa phương cũng thường xuyên gia cố các bờ đê bao xung yếu nhưng đối với những nơi bị sạt lở nghiêm trọng, xâm thực nhiều vào đất liền thì cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện những công trình hữu hiệu hơn để ngăn chặn kịp thời.

Thống kê của UBND tỉnh Sóc Trăng cho thấy, hiện nay có 9.611m bờ sông trên địa bàn 3 huyện: Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung cần được đầu tư cấp bách để khắc phục sạt lở với tổng kinh phí 453 tỉ đồng. Ở những khu vực này có hơn 800 hộ dân sinh sống với nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, chợ, trường học và trụ sở nhà nước cần được bảo vệ.

Ven tuyến sông Hậu ở huyện Kế Sách có nhiều hộ dân tập trung sinh sống.

Trong các chuyến khảo sát tình hình sạt lở ven sông ở huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Tình hình sạt lở hàng năm ở các địa phương này diễn biến phức tạp, các hộ gia đình đang sống trên vùng xung yếu, khu vực sạt lở cần di dời ngay đến nơi an toàn. Những hộ có ý định cất nhà ở những khu vực này cũng nên ngưng vì trong quá trình thi công các công trình thủy lợi sẽ rất khó khăn cho công tác giải tỏa, đền bù”.

Hiện nay, nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp không thể đáp ứng thực hiện các công trình phòng chống sạt lở. Do đó, ngành nông nghiệp cũng như Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã kết hợp với đơn vị liên quan và các địa phương để khảo sát thực tế những điểm sạt lở trọng yếu nhằm lập dự án tổng thể về sạt lở để phục vụ cho công tác phòng chống lâu dài. Sau chuyến khảo sát, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh để xin chủ trương lập dự án phòng chống sạt lở. Sau khi có dự án, sẽ tranh thủ nguồn lực của Trung ương và lựa chọn công trình bức xúc thực hiện.

Đối với các điểm sạt lở hiện nay, đồng chí Lương Minh Quyết cho biết thêm: “Trước khi chưa có vốn đầu tư của Trung ương, các địa phương cần huy động nguồn lực xã hội hóa hoặc nguồn vốn ngân sách của địa phương cố gắng khắc phục trước để người dân yên tâm. Ngành nông nghiệp sẽ cố gắng cùng các địa phương, sở, ban ngành có liên quan tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống sạt lở trong thời gian tới”.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: