• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Bài học thực tế

17/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 17/11/2020 | 06:00

STO - Ngày trước khi đi xem để cưới dâu, người xưa không những quan tâm đến cô dâu tương lai mà còn để ý đến mẹ cô gái ấy nữa. Bởi vậy mới có “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”. Việc này, người xưa quan niệm “Mẹ nào con nấy”, mẹ giỏi giang con cũng học được nhiều thứ. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng đều như vậy. Mẹ kém, con giỏi rồi sao? Tất nhiên vấn đề này người ta chỉ ghi nhận ở số đông!

Mẹ tôi hay kể lúc bà ngoại tôi đi xem vợ cho các cậu tôi (thời trước con trai tự chọn vợ cũng có nhưng rất ít, thường gia đình chọn cho hay nhờ mai mối). Khi đến nhà gái, chuyện vãn một hồi thế nào ngoại tôi cũng kiếm cớ ra sau để xem nhà bếp. Nếu nhà bếp ngăn nắp chứng tỏ phụ nữ trong nhà rất vén khéo. Còn nhà bếp bày biện la liệt thì cũng hiểu gia đình ấy ăn ở chưa ngăn nắp, cần phải có thời gian tìm hiểu thêm. Thực tế, một người mẹ “Công ngôn dung hạnh” thế nào con gái của họ cũng được dạy dỗ tốt hơn. Một người mẹ ăn ở bầy hầy thì làm sao làm gương cho các con của họ?

Tôi có anh bạn do chọn bạn đời chưa kỹ bởi thời gian tìm hiểu quá ngắn nên khi đã thành vợ chồng rồi bao nhiêu tính nết xấu xa đều lộ rõ nên đành phải cam chịu. Anh cho biết mẹ vợ của anh là người rất làm biếng, công việc nhà không làm gì cả, đồ đạc vứt lung tung không ai dọn dẹp. Bà đổ thừa do bệnh nhức mỏi nên không có sức khỏe làm việc nhà. Các con gái cũng ảnh hưởng ở mẹ nên làm biếng “chảy thây”. Anh phải tự giặt quần áo, tự ủi đồ bởi không làm thì vợ tru tréo chịu không nổi. Phải chi vợ anh làm biếng nhưng con người hiền lành còn đỡ, đàng này chị ta ăn nói rất hồ đồ, tính nết hay khinh người hèn kém hơn mình, bao nhiêu tính xấu của con người đều có cả. Do không được cha mẹ quan tâm giáo dục, các anh chị em của vợ đều ăn ở bất hiếu, họ thường hay chửi cha mắng mẹ. Anh rất buồn khi có một người vợ tệ hại như vậy nhưng bụng làm dạ chịu biết than thở với ai bây giờ!

Người đời thường bảo “Rau nào sâu đó”. Các em vợ của anh tính tình giống cha mẹ của họ ít nhiều. Không thấy bạn bè của họ đến nhà chơi bao giờ. Có lẽ do sống ích kỷ, sống không biết đến ai nên ít người giao du với mình là lẽ đương nhiên. 

Anh cho rằng cuộc đời con người ai cũng có lúc sai lầm nhưng sai lầm trong hôn nhân là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Do lúc còn trẻ tính tình còn bồng bột nên bây giờ anh phải gánh chịu hậu quả, kéo dài cả đời người. Anh nhắc lại cách chọn dâu của người xưa không hẳn hoàn toàn đúng nhưng rất đáng để tham khảo vì đó là kinh nghiệm của con người. Nghe những lời tâm sự của anh tôi rất thương cảm. Cũng vì thương con, bao năm qua anh đã nén lòng chịu đựng như thế. Đôi lúc anh cho rằng con người ai cũng có số phận để tự an ủi mình. Bởi vợ chồng chia tay, người đau khổ nhất vẫn là con. 

Xã hội ngày càng thay đổi. Quan niệm của người xưa qua thực tế của đời sống hôm nay đương nhiên không hẳn đúng như vậy, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Tuy vậy, điều đó cũng là bài học kinh nghiệm của người đi trước đáng để người đi sau tham khảo. Tôi nghĩ những người bạn trẻ cũng  cần phải chín chắn quyết định việc hệ trọng của cuộc đời mình. Bởi khi vợ chồng chia tay không chỉ là nỗi buồn của người trong cuộc mà còn liên quan đến con cái nữa!

TUẤN BA 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: