• Văn hóa - Thể thao

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê

21/11/2017 06:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 21/11/2017 | 06:04

Trải qua gần 1 thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam bộ đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới được công nhận, trong đó có nghệ thuật sân khấu dù kê. Điều này đã làm nức lòng những người yêu thích loại hình nghệ thuật này và tạo thêm động lực cho những người hoạt động trong nghề.

Giá trị văn hóa và đặc trưng của nghệ thuật sân khấu dù kê

Nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời những năm đầu thập niên 20 thế kỷ XX, đến năm 1921, ông Lý Cuôn (thường được gọi là Chhà Kọn) - người Sóc Vồ (nay thuộc Phường 7, TP. Sóc Trăng) thành lập gánh hát dù kê “Tự Lập Ban” với sân khấu sơn thủy (sử dụng nhiều phông vẽ cảnh núi non, đền đài có thể kéo ra kéo vào). Sân khấu dù kê cũng từ đây được chuẩn hóa, phát triển và biểu diễn không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà sang cả nước bạn Campuchia. 

Cảnh trong vở “Lời chối cuối cùng” do Đoàn dù kê Ron Ron biểu diễn.

Nghệ thuật sân khấu dù kê là sản phẩm được hình thành bởi những yếu tố đặc biệt qua giao lưu văn hóa của các cộng đồng, dân tộc. Có thể nói, đây là sản phẩm văn hóa tinh thần tiêu biểu mang tính đặc thù của vùng đất Sóc Trăng với mối quan hệ cộng cư lâu đời của 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa. Theo tiến sĩ, nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, hình thức biểu diễn của sân khấu dù kê thuộc kịch chủng ca kịch, là sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật, như: âm nhạc, múa, mỹ thuật, vũ thuật… Tuồng tích biểu diễn thường được khai thác từ các cốt truyện dân gian Khmer, về sau còn sử dụng tuồng tích của người Hoa, người Việt. Âm nhạc trong sân khấu dù kê rất phong phú, đa dạng và mang đặc trưng riêng, không thể hòa lẫn với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Từ nền tảng của âm nhạc dân gian Khmer, dù kê đã tiếp nhận và tiếp biến từ nhiều nguồn âm nhạc khác nhau của các loại hình nghệ thuật khác nhau của dân tộc Khmer và các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á và cả âm nhạc phương Tây.

Qua các công trình nghiên cứu đã được công bố, cho đến nay, sân khấu dù kê Khmer Nam bộ có khoảng 163 làn điệu, bài bản thuộc các thể loại khác nhau. Trong đó, có 34 bài bản dù kê chính thống, 22 bài bản có nguồn gốc từ thể loại sân khấu hát Tiều, hát Quảng của người Hoa, 16 bài bản có nguồn gốc phương Tây (chủ yếu là nhạc Pháp) và 91 bài bản có các nguồn gốc khác. 

Hiện trạng nghệ thuật sân khấu dù kê

Sau những biến cố thăng trầm trong các giai đoạn lịch sử, nhiều đoàn dù kê được thành lập, phát triển và lụi tàn. Từ sau năm 1975, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghệ thuật sân khấu truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó có sân khấu dù kê được khôi phục và phát triển. Tại Sóc Trăng, một số đoàn dù kê được thành lập và tổ chức hoạt động với phương thức bán vé, như: Ron Ron (Châu Thành), Ánh Bình Minh (Mỹ Xuyên), Sơn Nguyệt Quang (Trần Đề).

Ông Phan Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định: “Từ sau năm 1975, sân khấu dù kê có khởi sắc nhưng hiện nay dưới tác động của nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn hội nhập và phát triển, phạm vi hoạt động và số lượng khán giả xem dù kê ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác, sân khấu dù kê cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ngày càng cũ kỹ và lạc hậu, đội ngũ tác giả, thầy tuồng ngày một giảm dần do lớp người trước phần già đi, phần đã qua đời…”. 

Ông Sơn Si Tha - Trưởng Đoàn dù kê Sơn Nguyệt Quang bộc bạch: “Hiện giờ, những người làm trong nghề dù kê (diễn viên, trưởng đoàn, hậu đài…) đều phải có nghề khác chứ không ai có thể sống hoàn toàn với nghề dù kê này cả. Đời sống của anh em còn nhiều vất vả nên phải yêu nghề mới có thể bám trụ được”.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Từ thực trạng trên, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp và cũng là sự hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê. Ông Phan Văn Sáu cho biết: “Ngay từ tháng 10-2014, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức Trại sáng tác kịch bản sân khấu dù kê Khmer với sự tham gia của 22 tác giả đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê”.

Tháng 9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2250/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2017 với các hoạt động: nghiên cứu khoa học, đào tạo truyền nghề, xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê thành sản phẩm du lịch, tổ chức liên hoan và biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê… với tổng kinh phí hơn 4,4 tỉ đồng. 

Trong năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền về nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam bộ; mở lớp đào tạo diễn viên, nhạc công trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu dù kê tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh với thời gian 2 tháng; tổ chức 2 suất biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê tại các điểm nhân dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần III - khu vực ĐBSCL năm 2017.

Ông Phan Văn Sáu cho biết thêm: “Riêng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, sở tham mưu UBND tỉnh hàng năm hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng diễn viên, cộng tác viên tham gia. Vừa qua, sở đã ủy quyền cho Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh mua sắm bộ trang thiết bị, nhạc cụ hỗ trợ Đoàn dù kê Ron Ron với kinh phí 100 triệu đồng. Hiện Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã mua và đang chuẩn bị bàn giao cho Đoàn dù kê Ron Ron”. 

Với những giải pháp thiết thực đó, tin rằng các giá trị văn hóa của nghệ thuật sân khấu dù kê sẽ được bảo tồn và phát huy, góp phần vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng Khmer Nam bộ nói riêng, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: