• Văn hóa - Thể thao

Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch

14/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 14/04/2018 | 06:00

STO - Sóc Trăng là địa phương có tài nguyên rừng với hệ sinh thái đa dạng. Để phát huy hiệu quả của thế mạnh này, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan đang triển khai thực hiện các dự án bảo vệ và khai thác lợi thế của nguồn tài nguyên đang có.

Rừng tràm Mỹ Phước (Mỹ Tú) với hệ sinh thái đặc trưng, có nhiều loài động vật quý hiếm và là nơi có Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy thu hút khách về nguồn tham quan các di tích và tìm hiểu về lịch sử. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, rừng tràm Mỹ Phước có 127 loài thực vật bậc cao trên cạn, 8 loài thú, 70 loài chim, 15 loài lưỡng cư và bò sát, 25 loài cá… trong đó có nhiều loài quý hiếm như: cốc đế, cầy hương, rái cá.

Rừng tràm Mỹ Phước đang được nghiên cứu để bảo tồn loài và sinh cảnh.

Rừng nơi đây còn có 4 sinh cảnh, là: rừng tràm, rừng dừa nước, lung (nước ngọt) và rừng đặc dụng. Đặc biệt, rừng tràm Mỹ Phước là nơi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có sinh cảnh giao thoa giữa rừng tràm và dừa nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây được chọn làm Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Ông Hoàng Trọng Tuệ - Phó Ban Quản lý di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy nằm trong rừng tràm Mỹ Phước, là khu rừng nguyên sinh có môi trường sinh thái tốt, thuận lợi để phát triển các loài động, thực vật thiên nhiên hoang dã, có điều kiện kênh rạch chằng chịt nên rất thuận tiện trong giao thông đường thủy và là điều kiện rất tốt để phát triển nguồn động vật dưới nước. Nếu muốn phát triển du lịch sinh thái rừng và các dịch vụ khác phục vụ khách tham quan, Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy cần có sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc nghiên cứu về môi trường thiên nhiên”.

Dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng thời gian qua, khu vực rừng tràm Mỹ Phước chưa được khai thác hết tiềm năng sẵn có. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp đơn vị tư vấn triển khai thực hiện Dự án “Thành lập khu bảo tồn loài, sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước” nhằm thành lập khu bảo tồn hệ sinh thái gắn với phát triển Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy; đồng thời hoạch định những chiến lược góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Thanh, với mục tiêu trên, tỉnh mong muốn kết quả dự án mang lại là đưa Di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy trở thành điểm tham quan du lịch giống như các điểm du lịch sinh thái khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như: Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), rừng tràm Trà Sư (An Giang), Khu Du lịch Xẻo Quýt (Đồng Tháp)… vì các khu du lịch này cũng có hệ sinh thái tương tự như rừng tràm Mỹ Phước. Có được như vậy thì khi đó sẽ góp phần giải quyết việc làm và phát triển du lịch tại địa phương vùng căn cứ.

Rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung

Cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung có nhiều loài động, thực vật cư ngụ như: khỉ, rái cá, dơi, cò... và nhiều loài hải sản giá trị khác. Rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển Cù Lao Dung đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh. Tuy nhiên, hệ sinh thái tự nhiên của rừng ngập mặn đang đứng trước nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và các tác động của người dân. Để sử dụng nguồn tài nguyên phát triển bền vững, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đơn vị tư vấn thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung và đã được hội đồng thẩm định thông qua đề cương dự án.

Theo đơn vị tư vấn, để thực hiện Dự án “Thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung”, cần đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội; hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; hiện trạng đa dạng sinh học và các mối đe dọa để tiến tới việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận định, dự án này có ý nghĩa trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Sản phẩm của dự án là cơ sở quan trọng để tỉnh đưa ra những chủ trương trong vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch trong thời gian tới.

Cùng với các dự án phát triển kinh tế đang được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư thì việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cũng đang được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Việc nghiên cứu, triển khai các dự án trên là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của tỉnh trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: