• Văn hóa - Thể thao

Biến đam mê thành công việc

09/08/2018 19:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 09/08/2018 | 19:50

STO - Tình cờ bắt gặp trên facebook những hình ảnh về những chiếc đầu lân và cả hình ảnh của cậu học trò Phạm Viết Lãm - học sinh Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đang ngồi chế tác chúng, chúng tôi khá bất ngờ khi em có thể tạo ra những chiếc đầu lân tinh xảo và có hồn đến thế. Ngỏ ý muốn viết về “nghề làm đầu lân”, Lãm nhắn tôi chờ ít ngày để em làm thêm một số chiếc nhằm tiện giới thiệu về các kiểu đầu lân và công việc của em.

Năm nay Lãm mới 17 tuổi và hiện đang học lớp 12 tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng. Không khó để tìm đến “xưởng” chế tác đầu lân của Lãm tại con hẻm đối diện chùa Vĩnh Hưng trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Sóc Trăng). “Xưởng” hiện được đặt ké tại cơ sở tiện của ba em chỉ đơn giản là một gian nhà nhỏ, không biển hiệu và cũng không có máy móc gì ngoài chiếc máy tiện phục vụ công việc của ba. Công việc chế tác của Lãm là toàn thủ công, vì vậy không cần đến máy móc cũng như các dây chuyền phức tạp.

Phạm Viết Lãm gắn phụ kiện cho đầu lân.

Nhìn những hình ảnh trên facebook của em, tôi cứ đoán chắc rằng nghề làm đầu lân của em là nghề gia truyền bởi nghĩ rằng đây là một nghề thủ công truyền thống và rất khó học. Nhưng khi đến nơi tìm hiểu, tôi càng bất ngờ hơn khi Lãm chỉ mới học nghề tầm 3 năm nay và hoàn toàn không có thầy dạy mà chỉ học qua các video, hướng dẫn trên internet cũng như sự góp ý, chỉ dạy của các đàn anh trong nghề qua các trang mạng. Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, Lãm cho biết: “Bên ngoại em có các cậu làm nghề múa lân nên từ nhỏ em đã được các cậu đưa theo đoàn khi đi biểu diễn. Có lẽ vì vậy mà em yêu thích con lân từ đó. Khoảng năm 2016, em thấy các video clip hướng dẫn làm đầu lân trên internet nên làm thử chủ yếu để chơi thôi. Khi em chia sẻ các hình ảnh lên facebook, anh em trong nghề thấy em còn nhỏ tuổi mà làm được như vậy nên rất thương và tận tình góp ý, chỉ dạy để các sản phẩm sau được ngày càng hoàn thiện”.

Các sản phẩm tiếp theo của em chia sẻ lên các mạng xã hội được nhiều đoàn lân khắp cả nước quan tâm và ngỏ ý mua lại, cũng như đặt hàng. Từ đó, Lãm bén duyên với nghề làm đầu lân với số lượng sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Cuối năm 2016, Lãm bán được 1 đầu lân thì đến năm 2017 đã được hơn chục chiếc. Riêng mùa trung thu năm nay (bắt đầu từ khoảng tháng 6 âm lịch), em đã làm được hơn 20 chiếc đầu lân theo đơn đặt hàng của khách và vẫn tiếp tục nhận đơn hàng cho đến cuối tháng 7 âm lịch. Các sản phẩm của em đi khắp các tỉnh, thành trong nước như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Nam, Hải Phòng, Hà Nội…

Hiện nay, tất cả công đoạn để chế tác 1 chiếc đầu lân từ tạo khung, dán vải, bồi giấy, vẽ trang trí, phủ sơn bóng, cho đến lên lông, lên phụ kiện (mắt, râu…) để có được sản phẩm hoàn chỉnh Lãm đều làm một mình. Thời gian đầu, để làm được một sản phẩm hoàn chỉnh, em mất khoảng hơn nửa tháng. Qua 2 - 3 năm vừa học vừa làm, hiện nay chỉ khoảng hơn 1 tuần, Lãm đã có thể cho ra mắt một sản phẩm. Theo Lãm, các đầu lân các đoàn múa lân chuyên nghiệp sử dụng chủ yếu có 4 kiểu: mỏ bằng, mengkok (tức là lân mỏ cong theo mẫu của Malaysia), Phật Sơn (Trung Quốc) và mỏ cong thường. Lãm có thể làm cả 4 mẫu đầu lân đó với giá bán tùy theo mẫu dao động từ 2,2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/đầu lân.

Với tuổi đời còn khá nhỏ nên lúc đầu khi Lãm chế tác đầu lân bán, gia đình em không yên tâm. Nhưng qua các phản hồi tích cực từ khách hàng, Lãm nhận được sự tin tưởng từ cha mẹ và càng tự tin hơn trong công việc. Lãm chia sẻ: “Làm được rồi nhưng em vẫn thường xuyên theo dõi các mẫu mã mới trên internet để kịp thời học hỏi và cập nhật. Sắp tới, em tiếp tục cố gắng hoàn thành chương trình THPT. Nếu nghề làm đầu lân có thể phát triển được, em sẽ theo nghề luôn”.

Dù đã tận mắt chứng kiến Lãm chế tác đầu lân nhưng tôi vẫn còn không tin nổi em có thể làm được những chiếc đầu lân tinh xảo và có hồn đến thế. Ấy mới biết có những thứ là đam mê nhưng cũng là năng khiếu thiên bẩm. Tôi cũng mừng vì Lãm đã tìm được công việc từ chính đam mê của mình. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển một nghề thủ công truyền thống - nghề làm đầu lân.

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: