• Văn hóa - Thể thao

“Biến” lá thành tranh

22/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 22/02/2021 | 06:00

STO - Những chiếc lá bồ đề tưởng chừng như bỏ đi, nhưng thông qua bàn tay khéo léo, óc quan sát, trí tưởng tượng của anh Đặng Duy Khánh, ở xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) lại tạo nên những sản phẩm tranh nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh - tranh lá bồ đề. Chính ý tưởng “biến” lá thành tranh của anh Khánh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vinh danh là một trong những ý tưởng tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” năm 2020.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý xã hội (Học viện Báo chí tuyên truyền) nhưng anh Đặng Duy Khánh lại bén duyên với nghề làm tranh nghệ thuật từ lá bồ đề, với đồng vốn khởi nghiệp chưa đến 10 triệu đồng ở tuổi 26. Vốn sinh ra và lớn lên ở ấp Tân Lập, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu), gia đình theo đạo Phật nên Khánh có cơ hội tiếp xúc với Phật giáo từ sớm và hay nhặt xương (gân lá) lá bồ đề (PV - lá đã phân hủy chất diệp lục (thịt lá) chỉ còn lại những chiếc xương lá) ép vào tập làm kỷ niệm thuở học trò.

Bức tranh “Bánh xe luân hồi” mang đậm dấu ấn của Phật giáo mà Đặng Duy Khánh (TX. Vĩnh Châu) mất rất nhiều thời gian để hoàn chỉnh. Ảnh: H.LAN

Đến khi trưởng thành, trong một lần đi chùa, Khánh thấy trụ trì hay tặng “lộc” cho bà con phật tử nên Khánh nảy ra ý tưởng, tại sao mình không làm tranh từ lá bồ đề để làm quà lưu niệm cho du khách gần xa khi đến Sóc Trăng - bởi cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo và được trồng rất nhiều ở các khu di tích lịch sử và các điểm du lịch tâm linh, các cơ sở thờ tự của đồng bào Phật giáo trong tỉnh, đặc tính loại cây này là lá thay rất nhiều lần trong năm nên nguồn nguyên liệu dồi dào.

Khánh bộc bạch: “Để đưa ý tưởng đi vào thực tiễn, em cũng không nhớ nổi mình thất bại bao nhiêu lần, nhất là khâu xử lý lá. Nhưng em tự động viên “thất bại là mẹ của thành công”, cứ như thế em tự mày mò, nghiên cứu, thử đến n lần và sau gần một năm em đã tìm được cách xử lý lá tối ưu nhất đó là “ngâm” vì phần xương lá được giữ nguyên và ít tác động đến môi trường sống xung quanh”.

Để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, Khánh dành khoảng thời gian 2 tháng để tạo ra những xương lá ưng ý nhất. Đầu tiên là khâu chọn lá, chỉ những chiếc lá già mới được sử dụng vì xương lá cứng khó gãy, độ bền cũng lâu hơn. Sau khi thu hoạch từ trên cây hoặc nhặt (lá đã rụng), lá sẽ được ngâm nước cộng với một ít hóa chất, đến khi thịt lá mềm thì dùng bàn chải đánh răng chải nhẹ nhàng lên thân lá, những xương lá còn lại sẽ được phơi nắng cho khô. Theo chia sẻ của Khánh, thay vì xương lá có màu tự nhiên thì Khánh lại xử lý thành màu vàng, trắng cho phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt cho tranh của mình.

Ngoài sử dụng xương lá, Khánh còn kết hợp với hạt cườm, nhựa dẻo, lụa đỏ, kỹ thuật in lụa… để tạo ra nhiều loại tranh nghệ thuật theo ý muốn. Tranh nghệ thuật của Khánh phần lớn đặc tả lại hình ảnh của tự nhiên, Phật giáo như: hình hoa sen, cây bồ đề, bướm, bánh xe luân hồi... Khánh cho biết, sau hơn 2 năm chính thức khởi nghiệp, Khánh đã thực hiện hơn 40 bức tranh nghệ thuật và trên 1.000 tranh móc khóa được in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp từ lá bồ đề (sản phẩm chính), lá na xiêm, lá hoa ban tím, được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và thị trường Mỹ, Canada biết đến.

Để tạo ra một bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh, Khánh đầu tư thời gian từ vài ngày đến vài tuần (tùy chủ đề, kích thước do khách hàng đặt). Mỗi bức tranh nghệ thuật có giá từ 150.000 đồng đến 5 triệu đồng và 35.000 đồng đối với tranh móc khóa. Nghề làm tranh từ lá giúp đem lại thu nhập cho Khánh gần 10 triệu đồng/tháng và góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương.

Về dự định trong tương lai, Khánh cho biết: “Nhờ được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh mà vừa qua em có cơ hội trưng bày sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, được khách hàng nhiệt tình ủng hộ. Hiện em đang tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường thêm nhiều màu sắc được chiết xuất từ thiên nhiên như màu đỏ, hường… nhằm đa dạng hơn chủ đề tranh từ lá. Em cũng đang thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng sản phẩm OCOP để tạo thương hiệu riêng cho tranh lá bồ đề Sóc Trăng. Trong thời gian tới, em cũng mong muốn Hội LHTN Việt Nam tỉnh và TX. Vĩnh Châu quan tâm, hỗ trợ em về vốn, kiến thức, trưng bày sản phẩm nhân các dịp lễ hội trong và ngoài tỉnh… giúp quảng bá tranh lá bồ đề đến người dân trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ có cùng đam mê, sở thích thì em sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau khởi nghiệp”.

H.LAN

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • Nguyễn Đặng Diễm Trang - 26/02/2021
  • Ý tưởng lạ, những chiếc lá có thể làm tranh hay làm ra sản phẩm mốc khóa, tỉnh Sóc Trăng càng tạo điều kiện để trưng bày hay vươn xa ngoài tỉnh để có sự thu hút sản phẩm của trong tỉnh có sản phẩm lạ mắt như cho khách du lịch chẳng hạn, mình rất ủng hộ bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp độc lạ.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: