• Văn hóa - Thể thao

Biến nỗi đau thành sức mạnh

27/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 27/04/2018 | 06:00

STO - Mỗi lần nghe hai chữ “chiến tranh”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Cưng ở ấp Lương Văn Hoàng, xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) lại rơm rớm nước mắt. Mẹ khóc vì thương người thân của mình đã ra đi mãi mãi và khóc vì thương những người nằm xuống vì quê hương đất nước không được thấy cảnh niềm vui đất nước hòa bình, không được thụ hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc khi non sông liền một dải.

Đến thăm mẹ, thấy nhà đông người, hỏi mẹ nhà sắp có đám tiệc à, mẹ nhìn tôi nói nhanh: “Mai đám giỗ ông nhà”. Như che lấp đi nỗi buồn, nỗi nhớ về người chồng quá cố, mẹ bước vội lên nhà trên và chỉ chỗ cho tôi ngồi xuống kế bên mẹ.

Năm nay mẹ đã 85 tuổi, tuy thính giác kém nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn và vẫn nhớ như in những chuyện đã qua. Nhìn mẹ, tôi thầm trách thời gian đã làm phai màu tóc xanh của mẹ, làm cho da nhăn nheo nhưng sao không bào mòn đi những nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra. Để rồi, những miền ký ức đau thương về cuộc chiến cứ trôi về với mẹ, làm cho mẹ cứ buồn, cứ khóc. Và không có bất kỳ điều gì có thể xoa dịu được nỗi đau mất người thân của mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Cưng nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai thứ 3 Trà Văn Hổ.

Sinh ra trong gia đình nông dân, mẹ có hai người anh và một chị gái. Khi lớn lên, hai anh lên đường đánh giặc, cứu nước. Rồi hai anh hy sinh, còn chị gái cũng bị giặc bắn chết. Mẹ kể: “Cái tên ấp mẹ ở giờ mang tên người anh ba Lương Văn Hoàng. Ấp lân cận mang tên anh hai Lương Văn Huỳnh. Khi anh ba ở chiến trường, vợ anh sinh được một người con trai tên Lương Văn Nô. Không bao lâu thì chị dâu qua đời, mẹ nhận cháu về nuôi. Đến năm 25 tuổi, mẹ lập gia đình với ông Trà Văn Phu (bí danh Trà Văn Tùng)”.

Sống chung không bao lâu thì ông tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, rồi ông cũng hy sinh. Mẹ Cưng không thể nào quên giây phút thắt lòng, giọng mẹ rung rung: “Tối hôm đó, anh em trong đơn vị ông đến báo tin ông bị thương nặng lắm. Rồi mọi người đưa mẹ đến chỗ ông nằm. Ông ngước nhìn mẹ nói được vài tiếng rồi đi. Lúc đó thì mọi người phải tức tốc di chuyển nơi khác vì sợ địch phát hiện. Mẹ cũng không lo được cho chồng đến phút cuối cùng. Các anh em trong đơn vị động viên mẹ cố gắng lo nuôi con, nuôi cháu. Chồng mất mà mẹ cũng không thể khóc thương chồng vì sợ bọn địch sinh nghi, mẹ phải nuốt ngược nước mắt vào lòng”.

Giọng trầm buồn, mẹ kể lại: “Thời giặc giã cực lắm con ơi. Ăn không được no, mặc không được lành. Mấy lần chạy giặc, bị chúng bỏ bom nhà cửa cháy tanh banh. Ăn cơm không có cái chén nguyên, có khi phải xài tới miểng dừa. Cũng có lúc ăn chay nằm đất. Được cô bác trong xóm giúp đỡ, chia sẻ từng cái mền, tấm chiếu. Lúc đó trong đầu mẹ chỉ nghĩ một điều duy nhất là mong đất nước thống nhất, cực khổ bao nhiều cũng kệ, nhà ăn gì cũng được. Có lần mẹ bị địch bắt, bị chúng đánh ngất lên ngất xuống nhưng đòn roi không lung lay được quyết tâm của mẹ”.

Lật mở từng trang quá khứ, mẹ nhớ lại ngày tiễn con trai Trà Văn Hổ và người cháu Lương Văn Nô lên đường chiến đấu: “Lúc đó, hai đứa nó đi còn nhỏ tuổi lắm, mẹ thấy cây súng còn dài hơn nó. Thấy hai đứa lên đường mẹ vừa mừng, nhưng cũng vừa lo. Mừng vì thấy tụi nó biết noi gương cha anh, tuổi nhỏ đã dũng cảm, quyết chiến với giặc. Lo vì sợ chúng sẽ rời xa mẹ mãi mãi không về. Và đúng như nỗi lo của mẹ, năm 1968, mẹ nhận được hung tin báo tử của cháu Lương Văn Nô, 5 năm sau nhận tin báo tử của con trai”.

Khi đất nước hòa bình, đời sống gia đình ngày càng phát triển, mẹ vẫn giữ nếp sống giản dị như ngày nào. Hỏi về chuyện di ảnh của người thân, mẹ Cưng buồn: “Tiếc là hình ảnh chồng, con và cháu, mẹ không giữ được. Vì mỗi lần chạy giặc, mẹ phải chôn giấu, rồi bị mưa bom bão đạn hủy mất rồi. Trên bàn thờ không có di ảnh nào cả”.

Có những cuộc chia ly lường trước được ly tan, nhưng bà mẹ áo vải Lương Thị Cưng đã che lấp nỗi buồn, kiên cường bám trụ, làm hậu phương vững chắc cho người thân yên tâm đánh giặc. Khi nhận được tin những người thân đã anh dũng hy sinh, mẹ đã nén nỗi đau thương ấy vào lòng và biến nỗi đau đó thành sức mạnh để góp sức mình viết lên khúc khải hoàn của Ngày chiến thắng 30-4-1975 lịch sử. Ngày đất nước thống nhất, mẹ vẫn giữ tấm lòng chung thủy với quê hương, dạy dỗ con cháu truyền thống yêu nước, cùng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thế Bằng

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: