• Văn hóa - Thể thao

Chùa Tum Núp háo hức chuẩn bị cho mùa lễ hội

09/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 09/09/2017 | 06:00

STO - Còn gần 2 tháng nữa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – 2017 mới diễn ra, nhưng không khí chuẩn bị cho đội ghe ngo của chùa Tum Núp, xã An Ninh (Châu Thành) có vẻ đến sớm hơn mọi năm. Từ khâu sửa chữa, sơn, vẽ hoa văn trên thân ghe ngo, ghe ka-hâu đến công tác huy động lực lượng vận động viên tham gia tập luyện với quyết tâm và kỳ vọng sẽ “đột phá” trong hội đua sắp tới.

Háo hức trước mùa khai hội

Chùa Tum Núp được biết đến là một trong những ngôi chùa Khmer cổ kính ở Sóc Trăng, không chỉ có phong trào đua ghe ngo phát triển từ rất sớm mà còn có cả chiếc ghe ka-hâu hàng trăm năm tuổi. Tò mò muốn biết về chiếc ghe ngo độc mộc cũng như chiếc ghe ka-hâu của chùa, chúng tôi được các vị Achar và sư trụ trì giới thiệu đôi nét về nguồn gốc của những chiếc ghe này. Qua quan sát, chiếc ghe to, dài, thân hình cong được các nghệ nhân xưa khoét ruột từ một cây sao.

Đại đức Lâm Hiệp - Trụ trì chùa Tum Núp cho biết: “Hai chiếc ghe này được hòa thượng Lâm Kós mua từ tỉnh Champasắc nước Lào về, với mục đích ban đầu làm phương tiện vận chuyển các vị sư đi tụng kinh, dự lễ và chở các vật tư để xây dựng chùa. Từ đó đến nay, chiếc ghe độc đáo này được các vị sư sãi và bà con phật tử trang trí, vẽ lại hoa văn để tham gia các lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống được tổ chức tại vàm Dù Tho rồi đến sông Nhu Gia thuộc xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên); Kinh Xáng, Sung Đinh (TP. Sóc Trăng) cho đến ngày nay”.

Còn nghệ nhân Diệp Minh Dương bộc bạch: “Muốn tạo nên những đường nét hoa văn cực kỳ tinh xảo và sống động, đòi hỏi đôi tay nghệ nhân phải khéo léo, chăm chú từng chi tiết, những màu sắc khắc họa của tác phẩm trên thân ghe”.

Nghệ nhân Diệp Minh Dương chăm chút từng đường nét hoa văn.

Trong khi đó, ở sàn tập dưới nước, các vận động viên tập luyện vào buổi chiều chủ nhật cũng khá nhộn nhịp, làm cho chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết. Năm nay cũng là lần đầu tiên chùa Tum Núp sửa chữa lại từ chiếc ghe ngo dành cho nam, để cho “phái yếu” có dịp tham gia hội đua tại lễ hội, thỏa niềm đam mê của mình trên đường đua xanh cùng với các đội ghe ngo trong tỉnh.

Thỏa niềm đam mê và kỳ vọng…

Từng có kinh nghiệm làm đội trưởng ghe ngo nữ chùa Pô Thi Satharam (Sóc Dồ), Phường 7 (TP. Sóc Trăng) và giành ngôi quán quân và á quân trong lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống năm 2000 và 2001, khi nghe tin năm nay chùa có ghe ngo nữ, chị Trần Thị Mỹ đã tình nguyện làm huấn luyện viên, hướng dẫn kỹ thuật bơi và bắt tay ngay với công tác vận động chị em trong phum sóc tham gia tập luyện.

Chị Mỹ chân tình chia sẻ: “Hàng tuần, chúng tôi tranh thủ thời gian thu xếp chuyện nhà cửa, con cái hay chuyện đồng áng đến chùa cùng nhau tập luyện để tăng thể lực, nâng cao sức bền hướng tới mùa lễ hội đua ghe ngo đạt kết quả tốt nhất. Do lần đầu chị em tham gia, nên công tác tập luyện gặp không ít khó khăn từ cách cầm dầm đến nhịp bơi. Tuy nhiên, sau một thời gian chịu khó, đến nay, các chị em đã nhanh chóng nắm bắt về kỹ thuật theo từng nhịp còi của huấn luyện viên, tạo nên không khí trước mùa hội càng rộn rã và sôi nổi hơn. Dù lần đầu tiên tham gia, nhưng chị em quyết tâm và kỳ vọng đạt thành tích cao”.

Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi vô cùng cảm phục và yêu quý các chị hơn, bởi nghị lực vượt khó trong cuộc sống. Mỗi người một cảnh, nhưng cùng chung niềm đam mê môn thể thao dân tộc, niềm khát khao cháy bỏng cống hiến phần công sức của mình. “Để có thể tập luyện tốt, chúng tôi phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng không vì thế mà chị em trong đội nản chí, ai cũng rất phấn chấn và coi việc tập luyện là trách nhiệm của mình, nên càng quyết tâm cao để tạo ấn tượng đẹp cho người hâm mộ tỉnh nhà” - chị Trần Thị Mỹ cho biết thêm.

Đại đức Lâm Hiệp khẳng định: “Tham gia lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo năm nay, ngoài công tác chuẩn bị tập luyện sớm cho cả 2 đội ghe ngo (nam và nữ); trong đó, đội nữ tập hợp được khoảng 50 vận động viên (tập luyện được 8 tuần), còn đội nam huy động được trên 40 vận động viên là tay bơi trẻ mới gia nhập để kế thừa những tay bơi lớn tuổi (tập được 2 tuần), tập vào mỗi buổi chiều chủ nhật. Riêng đội ghe ngo nữ, do lần đầu tiên tham gia ngày hội lớn, nên công tác tập luyện được nhà chùa chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Nhà chùa cũng đang khẩn trương sửa chữa, sơn, vẽ hoa văn cho cả hai chiếc ghe ngo và ghe ka-hâu, nhằm góp phần tôn vinh, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer”.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, thể thao của dân tộc, phong trào đua ghe ngo trong tỉnh ngày càng phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, việc phục dựng lại hội thi ghe ka-hâu cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Từ lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống đã nâng tầm lên thành Lễ hội cấp khu vực ĐBSCL, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem và cổ vũ, nên đây được xem là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với đồng bào Khmer trong tỉnh nói chung và bà con phật tử chùa Tum Núp nói riêng.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: