• Văn hóa - Thể thao

Chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

29/11/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/11/2017 | 09:00

STO - Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều chuyển biến sâu sắc thể hiện qua nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên cả hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt và ban hành Chương trình hành động số 37 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80 để thực hiện nghị quyết.

Theo ông Phan Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trong toàn ngành. Nghị quyết số 33 có ý nghĩa to lớn nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghị quyết của Trung ương có nội dung bao hàm tất cả các lĩnh vực về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, do đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. 

Liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc được tổ chức hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Sóc Trăng.

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể nhằm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2016, toàn tỉnh có 1.542 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 96,81%.

Về phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, có 352.000 lượt người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 19.800 gia đình thể thao. Riêng đối với phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” trong năm 2017, toàn tỉnh có 286.770/307.537 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 93,24%; phong trào xây dựng “Ấp, khóm văn hóa”, có 684/775 ấp, khóm đạt danh hiệu “Ấp, khóm văn hóa”. 

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Về việc cưới, đa số trong tổ chức lễ cưới, các gia đình đều quan tâm vấn đề tiết kiệm, đảm bảo sự trang trọng, phù hợp thuần phong mỹ tục; thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn; việc tổ chức lễ cưới thường diễn ra trong một ngày, việc ăn uống linh đình trong đám cưới đã giảm bớt, hoàn toàn không mời thuốc lá trong đám cưới; các hủ tục, mê tín dị đoan giảm đi rõ rệt. Từng bước xây dựng được mô hình cưới mới, điển hình như mô hình tổ chức lễ cưới tập thể do Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành tổ chức.

Về việc tang, mô hình tang lễ tiết kiệm, đội trợ tang ở một số xã, phường, thị trấn được thành lập, hoạt động có hiệu quả và được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là ở TP. Sóc Trăng. Các xã có đông đồng bào Khmer ở tại các chùa Khmer phần lớn được đầu tư xây dựng lò hỏa táng, gần 50% lò hỏa táng được xây dựng đúng theo quy chuẩn. 

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng, do đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hiện nay, có khoảng 30 lễ hội, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống tại vùng đất Sóc Trăng. Nhìn chung, tất cả các lễ hội đều được tổ chức theo nghi thức truyền thống, có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. 

Ông Phan Văn Sáu cho biết: “Thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đến nay, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của chính quyền và nhân dân. Cấp tỉnh có Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, khu khán đài đua ghe ngo. Cấp huyện có 11 trung tâm văn hóa - thể thao, 11 thư viện, 6 nhà truyền thống, 5 nhà thi đấu thể dục thể thao, 23 sân quần vợt, 34 sân bóng đá, 193 sân bóng chuyền, 6 hồ bơi… Cấp xã có 92 nhà văn hóa và 25 thư viện xã, 684 nhà văn hóa ấp, khóm, 109 phòng đọc sách cơ sở, 109/109 xã, phường, thị trấn có sân thể thao với 361 sân bóng chuyền, 108 sân bóng đá, 133 sân bi sắt…”.
Ngoài ra, còn có Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên và Trung tâm Sinh hoạt Văn hóa - Thể thao tại Khu Công nghiệp An Nghiệp. Đây là nơi tổ chức và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí sau thời gian lao động, học tập của công chức, viên chức, người lao động, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: công tác chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp có bước phát triển nhưng chưa đồng đều. Một số địa phương việc công nhận các danh hiệu văn hóa còn chạy theo thành tích; nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở xuống cấp, nhất là nhà văn hóa các ấp, khóm; kinh phí để tổ chức hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra…

Ông Phan Văn Sáu cho biết thêm: “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33, trong thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ xây dựng các đề án hỗ trợ phương tiện hoạt động văn hóa cho các địa phương còn khó khăn về kinh phí; phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh còn khó khăn như Sóc Trăng để trình Chính phủ đầu tư các công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn, như: nhà thi đấu đa năng, sân vận động, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia; đề nghị xem lại tiêu chí “trung tâm văn hóa - thể thao phường, thị trấn có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm ổn định về tổ chức, hoạt động thường xuyên hiệu quả”, vì trong quá trình triển khai thực hiện gần như không đạt được do các đô thị quỹ đất rất hạn chế, nhiều phường, thị trấn được thụ hưởng các thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện nên việc xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao phường, thị trấn vừa tốn kinh phí, quỹ đất vừa không phát huy được công năng”.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: