• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Chuyện mua bán ở chợ

29/03/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 29/03/2021 | 06:00

STO - Một anh bạn người miền Trung có lần hỏi tôi nghe nói ở miền Tây người ta mua bán tính chục không phải 10 trái có khi 12 hay 14 trái phải không? Tôi cho bạn biết, bán chục còn tùy địa phương không giống nhau nhưng tôi biết xoài, cam, quít, dừa một chục 12 trái; bắp 14 trái; khóm 16 trái...

Nhiều người ở xa đến tưởng người bán đếm lộn, nhưng cách tính hào phóng này rất phổ biến ở miền Tây như vậy đó. Ngày xưa chuyện mua bán ở xứ đồng bằng rất thoải mái không những bán chục mà còn bán mớ nữa. Bán mớ là bán hết một nhúm sản vật nào đó không phân biệt lớn nhỏ, tốt xấu (có nơi gọi là bán mão). Người mua được như vậy xem ra rất rẻ. Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ những người ở xóm chài bưng tép cá vào xóm tôi trong gánh còn một ít, họ bán mão đặng đi về cho sớm.

Thuở nhỏ theo mẹ đi chợ, tôi thấy mẹ tôi mua đồ ít khi trả giá. Mẹ cho biết mua bán với người quen lâu ngày đã trở nên thân thiết, họ bán hàng chất lượng tốt và không bao giờ nói thách. Hôm nào hàng lên, giá bán lên. Hôm nào hàng xuống họ tự động xuống giá, không phải trả giá vừa mắc công người bán lẫn người mua. Nói chung ngày trước người ta phần đông mua bán rất thật thà, lấy uy tín làm trọng nên ít ai gian dối.  Sau này lớn lên tôi có thời gian mua bán ở chợ, tôi thấy nhiều gia đình mua bán vài ba chục năm là chuyện thường. Họ có nhiều mối hàng, hàng hóa được bán ra khách hàng luôn tin tưởng về chất lượng và giá cả. Nhờ làm ăn đàng hoàng như thế nên mới trụ được lầu dài. Còn những người làm ăn chụp giựt chỉ được nhất thời, trước sau gì cũng lâm vào cảnh “sớm nở tối tàn”, khách hàng từ từ lánh xa. Buôn bán như thế làm sao được lâu bền, tưởng khôn ngoan hóa ra là dại!

Đời sống xã hội có nhiều thay đổi, lần hồi cách mua bán cũng bị ảnh hưởng. Do nhiều lý do, một số người ham lợi trước mắt mua bán chụp giựt nhiều hơn trước. Có một lúc chuyện cân gian cân thiếu xảy ra ở nhiều nơi. Hàng gian hàng giả luôn là vấn đề nhức nhối. Sự hào phóng của người phương Nam lần lần bị thu hẹp. Trái cây phần nhiều được bán ký ít tính chục như trước. Chuyện bán mớ ở thành thị ít thấy, nếu còn có thể gặp ở các chợ quê.  

Ông bác tôi thường nói: “Trong mua bán uy tín còn là “thương hiệu” vô hình nhưng rất hữu hiệu để giữ lấy khách hàng. Ai cũng muốn làm ăn với người ngay thẳng, việc mua bán mới được lâu dài. Ngày trước tiểu thương có biết quảng cáo, tiếp thị là gì đâu, cứ chăm chỉ làm ăn không được lừa dối khách hàng thì càng ngày khách sẽ đến một ngày một nhiều hơn. Ông thường dạy con cháu làm nghề gì cũng phải sống thật thà “có đức không sức mà ăn”. Sống lương thiện ở đâu, làm gì rồi cũng có bạn tốt kết giao, cùng làm ăn với nhau, đôi bên cùng có lợi. Người kinh doanh gian dối trước sau cũng bị lộ, mất uy tín với khách hàng, chỉ có nước bỏ nghề!”.

Suy cho cùng, ý nghĩ đơn giản của người xưa “Ở hiền gặp lành” luôn có giá trị. Tuy không phải là triết lý cao xa nhưng tôi thấy rất thiết thực. Sống lương thiện tâm hồn được thảnh thơi, an lành.

TUẤN BA   

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: